Nước Mỹ thay đổi mạnh sau 1 năm cầm quyền của ông chủ Nhà Trắng “khác biệt”

Hà Kim| 09/01/2018 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bước vào Nhà Trắng với học thuyết “Nước Mỹ trên hết”, sau một năm, Tổng thống Donald Trump không chỉ đang thay đổi nước Mỹ mà còn thay đổi toàn thế giới với nhiều quyết định và chính sách bất ngờ, thậm chí gây tranh cãi mang đậm dấu ấn cá nhân.

Theo đó, tác động của học thuyết “Nước Mỹ trên hết” khiến môi trường kinh doanh tại Mỹ phần nào được giải phóng. Năm 2017 chứng kiến thị trường chứng khoán của Mỹ tăng trưởng kỷ lục, tăng trưởng GDP ước đạt 3-4%, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000.

Ngày 22/12, trong thắng lợi lập pháp quan trọng đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Luật cải cách thuế mà theo ông là cuộc cải cách và cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Mục tiêu của Đạo luật này là nhằm cắt giảm thuế cho các gia đình Mỹ cũng như khuyến khích các công ty đa quốc gia của Mỹ thay vì đầu tư ra nước ngoài sẽ đầu tư trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân nước này.

Tuy nhiên, chính đạo luật này đang đẩy nước Mỹ lún sâu hơn vào chia rẽ. Ngoài ra, với việc đảo ngược hàng trăm văn bản dưới thời kỳ Obama về môi trường, năng lượng, các chính sách mới của ông Trump được cho là phục vụ những ông chủ doanh nghiệp giàu có, đặt lợi nhuận lên trên yếu tố môi trường, an toàn cũng như như sức khỏe của người dân.

Nước Mỹ cũng đang phải chứng kiến sự chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, giới tính khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc… có xu hướng gia tăng nhiều nơi. Điều này đang khiến không ít người từng bỏ phiếu cho ông Trump bắt đầu cảm thấy thất vọng.

Nước Mỹ thay đổi mạnh sau 1 năm cầm quyền của ông chủ Nhà Trắng “khác biệt”

Nước Mỹ thay đổi mạnh sau 1 năm cầm quyền của ông chủ Nhà Trắng “khác biệt”

Trong khi giới chức Mỹ thường khẳng định, “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là nước Mỹ đi một mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với khuynh hướng theo chủ nghĩa biệt lập, nước Mỹ của Tổng thống Trump có vẻ như chỉ tính toán đến các lợi ích của mình. Mặc dù tuyên bố siết chặt các liên minh nhưng cho đến thời điểm này tất cả các nước đồng minh của Mỹ đều nhìn Tổng thống Trump với con mắt hoài nghi.

Không những thế, Tổng thống Trump còn liên tục điều chỉnh chính sách của Mỹ, giảm bớt cam kết đa phương, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO)… chính quyền Tổng thống Trump còn cắt giảm đóng góp tài chính cho Liên Hợp Quốc cũng như đe dọa rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế khác.

Có lẽ, chỉ Israel là nước duy nhất cảm thấy hài lòng khi ông Trump thay đổi quan điểm của các chính quyền trước đây, chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của đông đảo dư luận thế giới cũng như đẩy khu vực vào nguy cơ đối đầu bạo lực.

Chính quyền Tổng thống Trump năm 2017 cũng đặt ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thông qua gia tăng sức ép về mọi mặt với chiến lược bên miệng hố chiến tranh. Đến thời điểm hiện nay chiến lược này mặc dù có một số kết quả nhưng giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vẫn còn quá xa vời.

Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, vị thế của nước Mỹ ngày càng giảm sút, cùng với đó mối liên kết giữa Mỹ với NATO cũng như các đồng minh chủ chốt đang trong tình trạng lỏng lẻo nhất nhiều thập kỷ qua. Chính vì thế, điều thế giới hiện nay quan ngại nhất không hẳn là các cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang mà là các tuyên bố và quyết định bất thường cũng như thất thường từ chính ông chủ Nhà Trắng.

Có thể thấy, nước Mỹ đang có một ông chủ Nhà Trắng thực sự khác biệt, không chỉ so với người tiền nhiệm của đảng Dân chủ mà còn không giống bất cứ ai trong số các Tổng thống Cộng hòa trước đó.

Một điểm nổi bật của ông Trump là đã biến trang mạng xã hội Twitter thành một phương tiện thay văn phòng Tổng thống đưa ra các thông báo bổ nhiệm, cách chức các quan chức nội các cấp cao hay các chính sách mới chỉ trong 280 ký tự.

Không chỉ vậy, Tổng thống Donald Trump còn liên tục đăng tải các tuyên bố gây tranh cãi, thậm chí đi ngược lại với các tuyên bố của giới chức cấp cao của chính nước Mỹ vừa đưa ra trước đó. Ông Trump cũng không tỏ ra ngại ngần khi sẵn sàng đấu khẩu với giới truyền thông, gọi hàng loạt các hãng tin lớn tại Mỹ là “tin giả”.

Vươn xa hơn, Tổng thống Trump cũng không ngại ngần gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “người tên lửa”, đe dọa trút “bão lửa và thịnh nộ” xuống Bình Nhưỡng. Chính vì thế, mọi sự chú ý của các nước trên thế giới dường như tập trung vào tài khoản Twitter cá nhân của ông Trump hơn là các tuyên bố của giới chức cấp cao nước này.

Nhưng chính cá nhân Tổng thống Trump và hàng loạt các quan chức khác đang phải đối mặt với những cáo buộc có thể khiến họ phải từ chức hay bị đưa ra luận tội.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái đang tích cực thu thập bằng chứng. Cuộc điều tra đang được mở rộng đến một số trợ lý thân cận trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Tờ Bưu điện Washington Post ngày 8/1 cũng đưa tin, Công tố viên đặc biệt Robert Muller đã thông báo với các luật sư của tổng thống Donald Trump về ý định phỏng vấn Tổng thống liên quan tới cuộc điều tra về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ngoài ra, các cáo buộc về hành vi cản trở thực thi công lý trong việc cách chức Giám đốc FBI hồi tháng 5 vừa qua nếu được xác định có thể khiến ông Trump bị đưa ra luận tội và mất đi sự ủng hộ quan trọng của các cử tri độc lập cũng như đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, xét về góc độ một ngôi sao truyền hình, việc liên tục thu hút được sự chú ý của truyền thông và dư luận bằng các tuyên bố gây sốc, các quyết định bất ngờ thậm chí là cả bê bối thì rõ ràng Tổng thống Trump đang thực sự thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Mỹ thay đổi mạnh sau 1 năm cầm quyền của ông chủ Nhà Trắng “khác biệt”