Thầy tôi tên Trong, dạy lớp 4, hồi đó gọi là cấp I. Thời gian đã quá lâu để tôi có thể nhớ họ và tên đệm của thầy. Nửa thế kỷ rồi còn gì. Dù năm tháng qua đi, nhưng nét mặt, dáng thầy thì tôi không thể quên, vẫn mồn một trong tâm trí tôi.
Thầy Trong dáng dong dỏng cao thư sinh. Đôi mắt thầy to đen tình cảm, giọng thầy ấm áp. Đặc biệt, thầy luôn chải tóc, đầu thầy lúc nào cũng đen bóng như sịt gôm vậy. Áo sơ-mi luôn sơ vin. Thầy đứng trên bục giảng trông đẹp lắm. Đẹp “toàn diện”. “Chân dung” thầy Trong tôi đấy!
Quê tôi là một vùng ngoại thành Hà Nội. Thầy Trong ở xã trên, cùng huyện, giáp xã tôi. Chỉ một đoạn đường hai cây số là đám học trò chúng tôi đến được được xã thầy. Mỗi lần nhớ đến thầy Trong là tôi lại nhớ ngôi trường của tuổi ấu thơ. Mấy dãy nhà cấp bốn, sân rộng mênh mông, có những cây phi lao, xà cừ trồng ven sân trường. Không khí mỗi ngày học, khỏi phải nói, tràn ngập niềm vui, niềm vui của đàn chim ríu rít bên nhau, bên thầy cô. Có lúc cũng lo, cũng sợ, vì mình chưa làm bài tập, chưa thuộc bài. Được cái bài vở, chương trình không nặng như bây giờ.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy cái may nhất của học trò ngày đó là không có bài văn mẫu, không phải làm bài theo mẫu có sẵn, bị gò ép suy nghĩ. Có thể nhiều thứ lạc hậu hơn bây giờ, riêng điểm không làm văn theo bài mẫu thì không, thậm chí ngày ấy còn “tiên tiến”, “hiện đại” hơn hôm nay. Ý nghĩ của học trò chúng tôi được tự nhiên tung cánh như chim trong đầu mình. Thầy cô không đưa ra cái có sẵn bắt học sinh phải theo. Thầy dạy như thế và chúng tôi học như vậy. Đã “ngày xưa” rồi nhưng nó không hề lạc hậu.
Học sinh tiểu học ngày nay
Sang thế kỷ 21, các nước trên thế giới hiện nay người ta cũng vẫn làm thế: Thầy, cô không nghĩ thay học trò qua bài mẫu. Ngọn nguồn của sáng tạo là ở đó. Đó là “quy luật” của việc học mà tôi nghiệm ra từ hồi học thầy Trong.
Tôi nhớ, hôm đó, trường tổ chức cho các lớp đi tham gia lễ khánh thành trạm bơm Ấp Bắc - Nam Đồng, trạm bơm lớn nhất huyện Đông Anh quê tôi, nằm trên xã thầy Trong. Trạm bơm tưới tiêu cho gần hết đồng ruộng trong huyện. Nó cách trường tôi độ gần nửa giờ đạp xe. Khỏi phải nói, lũ học trò chúng tôi vui như thế nào! Đến giờ tôi vẫn nhớ như in không khí ngày hội đó. Cả trường, bạn nào cũng quần áo mới, khăn quàng đỏ, xếp hàng dài theo đường liên huyện lên trạm bơm mới xây xong. Niềm vui như nhân đôi vì chúng tôi vừa được đi mít tinh vừa được qua quê thầy. Kia, thầy Trong đang đi phía trước, nhìn chúng tôi trìu mến, nhắc học trò đi đúng hàng đúng lối. Chả mấy chốc đến nơi, trạm bơm Ấp Bắc - Nam Hồng đã trước mặt! Cờ, khẩu hiệu, người tập trung đông quá. Nổi bật nhất là công trình trạm bơm sáng đẹp mới xây xong. Bọn trẻ chúng tôi tràn đầy niềm vui, niềm tự hào quê hương, kể từ hôm nay, trạm bơm sẽ mang nước sông Hồng về tưới mát mùa màng!
Hôm sau, thầy Trong ra cho chúng tôi đề văn tường thuật buổi lễ mít tinh khánh thành trạm bơm hôm trước. Tôi hào hứng viết một mạch 12 trang giấy kẻ ô ly. Ngòi bút say sưa tả nét mặt hồn nhiên, tiếng cười, tiếng nói của bạn bè, tiếng trống khua rộn ràng. Cảm xúc tuổi học trò hồn nhiên như ánh ban mai trên từng con chữ màu mực tím thần tiên! Tôi nộp bài cho thầy Trong, trong lòng ngân lên tiếng hát! Thầy khen bài văn của tôi trước cả lớp. Tôi đã được viết bài văn theo cảm nghĩ, cảm xúc ngây thơ, trong trẻo và chân thật của mình, không theo bài văn mẫu nào hết.
Vừa rồi tôi cứ băn khoăn về cháu tôi học lớp 3 loay hoay mãi mà không viết được một đoạn văn tả buổi học đầu tiên cô giáo cho về nhà. Tôi không hướng dẫn kiểu “làm thay” mà để cháu tự viết như thế nào tùy cháu. Buồn thay, cháu “đánh vật” với đề Tiếng Việt mà không viết nổi một câu. Có thể những câu văn mẫu, những bài văn mẫu đã làm “thui chột” suy nghĩ tự nhiên của cháu tôi khiến cháu không thể tự viết ra từ nào.
Báo chí đã chả phản ánh thực trạng có người tốt nghiệp đại học mà không viết nổi một cái đơn xin việc là gì. Mới đây, đọc báo Người Hà Nội, trong bài tường thuật buổi gặp gỡ các cây bút trẻ tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, ngày 24-26/9/2015, phát biểu của cây bút 16 tuổi làm hội trường ngỡ ngàng. Em bảo rằng, thực ra bạn bè em vẫn viết, xã hội cũng tạo điều kiện cho chúng em viết, nhưng vì sợ viết chệch cách viết thầy cô dạy, chệch bài văn mẫu, nên những cái viết ra chẳng có gì mới, sáng tác vẫn “bí” là vì vậy. Một cây bút gọi là nhà văn trẻ còn nhận thấy hậu quả của “văn mẫu”, huống chi là cháu tôi. Nhớ lại ngày tôi học lớp 4, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Nếu có viết được cái gì đó hôm nay tạm đọc được, có lẽ là do bắt nguồn từ những bài tập làm văn xưa, được viết theo cảm xúc củangòi bút được “tự do”, không phải gò theo văn mẫu.
“Không thầy đố mày làm nên”, cổ nhân đã dạy thế. Lại sắp đến ngày 20/11, ngày hội của các thầy cô giáo và cũng là ngày hội của tôi, một học trò đã rời xa ngôi trường cấp 1 quê hương hơn 50 năm. Thời gian không làm nhạt phai trong tôi hình ảnh thầy Trong - “Người đưa đò trên dòng nước thời gian”- đã dìu dắt, dạy dỗ tôi ngày nào.