Thầy giáo thời @

congly.com.vn| 13/04/2012 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng năm, Tạp chí e-Chip đều tổ chức phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin (CNTT) cho những người có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực này. Trong số gần 100 hiệp sĩ CNTT được phong tặng từ năm 2003 đến nay, có khá nhiều người xuất thân từ nhà giáo.

Từ “ngoại đạo” trở thành “con chiên” của CNTT


Mặc dù là những người “ngoại đạo” đối với lĩnh vực CNTT nhưng với niềm say mê, yêu nghề, các nhà giáo đã không ngừng học hỏi, tiếp thu CNTT và họ đã ứng dụng có hiệu qủa CNTT vào giảng dạy, học tập.


Thầy Phạm Thanh Phương là giáo viên Trường THPT Dương Bạch Mai, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thầy Phương đã có công nghiên cứu và đưa phần mềm Cabri vào giảng dạy ở các trường học. Thầy Phương nói: “Tôi là một người “ngoại đạo” với tin học. Nhưng khi nghe nói Cabri vẽ được elip nên “máu toán học” nổi lên, tôi đã lao vào nghiên cứu. Tôi làm việc thầm lặng, đơn độc, có nhiều đêm thức trắng, qua bao nhiêu thất bại mới dần dần phát hiện ra những nét đẹp tuyệt vời của Cabri”.

Với suy nghĩ “phổ biến cho mọi người cùng biết”, thầy Phương đã mạnh dạn viết tài liệu “Hướng dẫn sử dụng Cabri” và công trình này đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công trình nghiên cứu của thầy Phương sau đó được báo cáo trong rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, được ngành giáo dục mở các lớp tập huấn cho giáo viên toán. Đặc biệt, thầy Phương cũng đã chuyển được giao diện của Cabri sang tiếng Việt để người nào không am tường ngoại ngữ cũng cảm thấy dễ dàng, tiện dụng khi tiếp cận.

Thầy giáo Phạm Thanh Sơn mặc dù bị bại liệt nhưng đã mở lớp dạy tin học miễn phí cho người khuyết tật


Ở Vũng Tàu còn có một thầy giáo khác cũng “mê” CNTT như điếu đổ. Từ “mê” đến sáng tạo. Thầy giáo Vũ Xuân Bùng, giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn, Tp. Vũng Tàu, mặc dù lớn tuổi vẫn chăm chỉ theo học lớp tin học. Với đồng lương giáo viên ít ỏi của hai vợ chồng, phải gần 10 năm dành dụm, thầy Bùng mới có riêng một chiếc máy vi tính để thỏa sức tìm tòi, nghiên cứu.

Là một giáo viên toán nên thầy Bùng đi vào nghiên cứu giảng dạy toán bằng tin học. Năm 2002, thầy Bùng đã viết phần mềm tin học khảo sát hàm số mang tên “XB 1890”. Điểm thú vị là phần mềm này được viết bằng cả hai ngôn ngữ Pascal và Delphi. Với phần mềm XB 1890, mọi vấn đề của khảo sát hàm số được khắc phục với những tiện ích: Kết qủa chuẩn xác, rõ ràng, cụ thể; hệ trục tọa độ có thể co giãn tùy theo yêu cầu; cách nhập dữ liệu ban đầu đơn giản; không chỉ dừng ở mức chỉ vẽ đồ thị hàm số… Phần mềm này còn cung cấp cho người sử dụng kết qủa những bài toán có liên quan đến khảo sát hàm số.


Ước muốn đem tin học đến cho mọi người


Thầy giáo Đỗ Đức Huyến, Hiệu trưởng trường dân lập Ngôi sao (Tp. Hồ Chí Minh) là một trong những người đi tiên phong và tích cực thúc đẩy việc khai thác các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục. Năm 1991, khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đào tạo học sinh giỏi, thầy Huyến đã quyết định đưa tin học vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông.


Từ năm 1999, thầy làm Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Ngôi sao. Ngoài việc giảng dạy tin học cho học sinh, thầy Huyến còn tổ chức đào tạo tin học cho giáo viên trong trường và đề xướng áp dụng phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử. Trường dân lập Ngôi sao đã tổ chức nhiều hội thảo, thao giảng ứng dụng giáo án điện tử cho giáo viên các trường phổ thông ở địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Không phải là người trong giới CNTT nhưng thầy Đỗ Đức Huyến đã mở rộng cánh cửa tri thức cho biết bao thế hệ học sinh bằng công nghệ của thời đại kỹ thuật số.

Soeur Ngọc Lan dạy tin học cho trẻ em khiếm thính.


Có lẽ, trong ngành Giáo dục, nhiều người đã biết chuyên mục “Thầy giáo làng” trên web của Tạp chí e-Chip (www.echip.com.vn). Người sáng lập và giữ chuyên mục đó là thầy Trần Quang Nghĩa. Từ tháng 8-2004, khi đang dạy môn toán tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Tp. Hồ Chí Minh), thầy Nghĩa đã tìm đến Tạp chí e-Chip đề nghị đưa toàn bộ các bài giảng, bài tập toán do thầy biên soạn lên trang web của e-Chip, giúp học sinh khắp nơi có thể truy cập để tự học trực tuyến hoặc tải về để trau dồi kiến thức toán học.

Từ đó đến nay, thầy Nghĩa thường xuyên trả lời, giải thích cặn kẽ những thắc mắc về bài giảng cho các học sinh gửi câu hỏi cho thầy qua e-mail. Đến nay, bạn đọc cả nước đã biết đến lớp học trực tuyến của “Thầy giáo làng”. Thầy Nghĩa bộc bạch: “Tôi muốn đem kiến thức và kinh nghiệm của mình giúp cho các đồng nghiệp và các em học sinh. Thầy giáo thời nay cần ứng dụng các kiến thức CNTT để công việc có hiệu qủa hơn. Tôi muốn đem những ứng dụng CNTT đến cho các em học sinh, giúp các em trong học tập”.

Các hiệp sĩ công nghệ thông tin là nhà giáo trong buổi giao lưu với học sinh


Còn nhiều các nhà giáo khác nữa, có người chưa bao giờ được đào tạo về CNTT nhưng họ đã tự học, nắm bắt CNTT và đứng lớp giảng dạy về CNTT, đưa ánh sáng CNTT đến cho mọi người. Đó là Phạm Thanh Sơn, bị liệt toàn thân nhưng đã tự học tin học và đã mở lớp dạy tin học miễn phí cho những người khuyết tật cùng cảnh ngộ. Đó là Soeur Ngọc Lan ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An (Bình Dương), bao năm vừa làm giáo viên khiếm thính (dạy học cho trẻ em bị điếc) vừa tự học tin học và đứng lớp giảng dạy tin học cho các em khiếm thính. Họ không phải là những giáo viên biên chế của ngành Giáo dục, nhưng họ là những người thầy trong thời đại CNTT, đem ánh sáng tin học đến cho mọi người. Xin được tôn vinh những người đã đem ánh sáng CNTT đến cho cộng đồng.


Linh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy giáo thời @