Giáo dục

Thầy giáo góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Ân-Phan Giang 08/09/2023 - 13:17

Sinh ra ở vùng đất nghèo khó ở bản Rồng của xã Châu Lộc, huyện miền núi Quỳ Hợp, thầy giáo Lê Văn Đạo (SN 1989), người con của đồng bào Thái đã vượt lên khó khăn, cố gắng học tập với mong muốn trở về phục vụ quê hương . Thấu hiểu những khó khăn của học sinh, từ khi ra trường đi dạy đến nay, thầy đã giúp đỡ rất nhiều học sinh nghèo, vượt khó, vươn lên trong học tập. Thầy được học sinh yêu mến, đồng nghiệp quý trọng, là tấm gương xứng đáng được lan tỏa trong ngành Giáo dục.

Thầy giáo làng vượt khó

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mẹ là lao động phổ thông, là anh cả trong gia đình có ba anh em, nên chàng trai Lê Văn Đạo ý thức được chỉ có sự học mới thay đổi được bản thân, góp phần thay đổi miền quê nghèo. Vì vậy, sau khi trượt đại học năm đầu dự thi, Đạo vẫn không từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học, ngày làm việc phổ thông để mưu sinh, đêm đêm tiếp tục ôn thi đại học.

thay-5.jpg
Thầy Đạo (bên phải) cùng học sinh, lãnh đạo trường, phòng giáo dục trong ngày nhận giải

Là người con của đồng bào Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Rồng của xã nghèo Châu Lộc, huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An), vì thế những hình ảnh về nhịp sống thường ngày của bản làng đã in sâu trong tâm trí thầy, càng trưởng thành, thầy giáo Lê Văn Đạo càng thêm yêu thích văn hóa bản địa.

Sớm bộc lộ năng khiếu từ nhỏ qua các bức tranh làng quê nơi mình sinh sống. Chính vì thế, thầy càng có mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy và tái hiện những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây qua từng bức vẽ. Để có tiền đeo đuổi bộ môn mĩ thuật, Lê Văn Đạo làm đủ nghề lao động chân tay để có tiền ôn luyện thi lại đại học.

thay-9.jpg
Thầy đã dành nhiều thời gian để ôn luyện cho học trò

Mọi sự cố gắng đều được đền đáp, năm 2008, Lê Văn Đạo thi đậu ngành sư phạm Mỹ thuật của Trường ĐHSP nghệ thuật TƯ. Để có tiền ăn học suốt 4 năm học đại học tại Hà Nội, Đạo làm gia sư dạy vẽ cho các bạn sinh viên, đi vẽ thuê cho các nhà hàng, quán café, cơ quan trường học, công sở…

Năm 2012, Lê Văn Đạo tốt nghiệp ngành sư phạm Mỹ thuật với tấm bằng loại giỏi của Trường ĐHSP nghệ thuật TƯ. Và năm 2017, Đạo được phân công công tác tại Trường tiểu học Châu Tiến cho đến nay. Trong gần 6 năm dạy học tại Trường Tiểu học Châu Tiến, ngôi trường ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Hợp với hơn 92% học sinh là con em người đồng bào dân tộc Thái.

thay-10.jpg
Tác phẩm bức chân dung Cụ già chợ phố cổ Đồng Văn Hà Giang

Được công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng ngày được ngắm nhìn nét đẹp hùng vĩ của núi rừng, sự mộc mạc của những bản làng, lòng hiếu khách, giàu tính cộng đồng và những nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào dân tộc Thái đã trở thành chất xúc tác đặc biệt, tạo cho thầy nguồn cảm hứng sáng tác những tác phẩm hội hoạ, cũng như việc truyền lửa, tình yêu bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Thái cho học sinh của mình.

Bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc qua những tác phẩm hội hoạ

Trong suốt thời gian công tác, thầy Đạo luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà trường giao. Thầy còn rất yêu thương học sinh những nơi mình giảng dạy và có những hoạt động thiết thực giúp học trò nghèo có được nền tảng kiến thức tốt nhất.

thay-7.jpg
Thầy cùng học trò nhận giải thưởng mĩ thuật tỉnh Nghệ An năm 2022

Với những cô cậu học trò ở xã nghèo vùng cao Châu Tiến, để đến trường học văn hoá đã khó khăn, tính gì đến việc theo đuổi những môn học năng khiếu như môn mĩ thuật. Thương học trò nghèo, thầy Đạo dạy kèm những em đam mê, có năng khiếu và thích hội hoạ, mua màu, bút, giấy vẽ cho các em, động viên các em theo đuổi đam mê của bản thân, chỉ là những việc nhỏ song qua đó thầy mong muốn, học sinh vùng sâu vùng xa, khó khăn cũng được tiếp sức, động viên để các em không bị thiệt thòi như các em ở vùng trung tâm.

Để cho tác phẩm của mình thêm phần sống động, có hồn và đậm chất vùng cao, mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, thầy Đạo về với bản làng, cùng ăn cùng ở, gần gũi trò chuyện và tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa. Quá trình tìm hiểu thực tế đã giúp thầy có được nguồn tư liệu quý giá, những cung bậc cảm xúc chân thật nhất để thầy sáng tạo.

thay-18.jpg
Tranh của học trò thầy Đạo đạt Top 200 bức tranh xuất sắc nhất cuộc thi vẽ tranh “Chiếc ôtô Mơ ước 2022” cấp Quốc gia

Thầy Đạo chia sẻ: “Tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái, Thổ cần được giữ gìn và giới thiệu rộng rãi cho mọi người. Do đó, tôi đã cố gắng thể hiện những gì mình biết thông qua các tác phẩm hội hoạ, với mong muốn được giới thiệu với bạn bè khắp nơi về bản sắc độc đáo của người dân nơi đây. Mặc dù có những lúc khó khăn như giá vật liệu quá cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm hội hoạ hạn chế… nhưng tôi vẫn quyết không từ bỏ đam mê, bởi tình yêu dành cho văn hóa vùng cao được tôi gửi gắm qua từng tác phẩm, qua từng em học sinh vùng cao nơi tôi công tác”.

Khai thác về lễ hội, phong tục tập quán, các hoạt động của cuộc sống thường ngày, thầy đã sáng tác nhiều tác phẩm mang tính đặc trưng như: Giã gạo, Chợ phiên, bức chân dung Cụ già chợ phố cổ Đồng Văn Hà Giang vẽ bằng bút chì…đã mang hơi thở và đậm hồn cốt của văn hóa vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ tính riêng biệt và độc đáo của các tác phẩm hội hoạ của thầy và trò ở xã nghèo Châu Tiến, nên các học trò được thầy Đạo bồi dưỡng đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật tại các cuộc thi, hội thi các cấp từ huyện, tỉnh thậm chí là ở cấp quốc gia.

thay-11.jpg
Tác phẩm Chợ phiên đã tạo được ấn tượng trong các cuộc thi

Các tác phẩm tiêu biểu của học trò đã tạo được ấn tượng trong các cuộc thi như: Bác Hồ với trẻ em miền núi, ngày mùa ở vùng cao, Bác Hồ với đồng bào các dân tộc, chung tay bảo vệ môi trường, chung tay phòng chống dịch Covid-19… Nhiều năm liên học, thầy đảm nhận nhiệm vụ dạy và bồi dưỡng học sinh tham gia dự thi môn mĩ thuật và đều gặt hái những thành tích vượt trội, cụ thể trong năm học 2020-2021, thầy đã bồi dưỡng cho học sinh đạt 1 Giải Nhì, 1 giải Khuyến khích và nhà trường đạt giải Ba toàn tỉnh trong Cuộc thi “Giải thưởng mĩ thuật thiếu nhi tỉnh Nghệ An lần thứ 4 năm 2020”; bồi dưỡng cho học sinh đạt 2 giải Tư Toàn quốc trong cuộc thi vẽ tranh “Vì môi trường tương lai – lần 3 năm 2021”; bồi dưỡng cho học sinh đạt giải 3 cấp huyện Quỳ Hợp Cuộc thi vẽ tranh cổ động “Thiếu nhi Quỳ Hợp với ATGT năm 2021”.

Cũng trong năm học 2022-2023, thầy đã bồi dưỡng cho 2 học sinh đạt 1 Giải Nhì, 1 giải Khuyến khích và nhà trường đạt giải Nhì toàn tỉnh trong Cuộc thi “Giải thưởng MT thiếu nhi tỉnh Nghệ An lần thứ 5 năm”. Đặc biệt, bồi dưỡng cho 1 học sinh có tranh đạt Top 200 bức tranh xuất sắc nhất cuộc thi vẽ tranh “Chiếc ôtô Mơ ước 2022” cấp Quốc gia. Và 2 học sinh đạt 2 giải Triển vọng trong cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước năm 2022”- cấp Quốc gia...

thay-1.jpg
Chân dung thầy giáo Lê Văn Đạo, người con của đồng bào dân tộc Thái

Thầy giáo Nguyễn Vĩnh An-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Châu Tiến cho biết: "Là một giáo viên người dân tộc thiểu số, giảng dạy ở trường xa xôi, đầy khó khăn, những việc làm của thầy Đạo rất đáng được tuyên dương, khen thưởng, được lan tỏa trong toàn ngành. Những môi trường giáo dục còn nhiều khó khăn như tại Trường Tiểu học Châu Tiến, vùng dân tộc thiểu số rất cần những tấm gương sáng như thầy để đồng nghiệp và học sinh học hỏi, noi theo, gây dựng môi trường giáo dục ngày một phát triển."

Chia sẻ về dự định trong tương lai, thầy Đạo cho biết thêm: “Hiện tại tôi đang tập trung bồi dưỡng cho các em sáng tác tác phẩm sẽ tham dự các giải thưởng mĩ thuật của tỉnh và TƯ với đề tài tập trung phản ánh về bản sắc văn hóa vùng cao nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hóa đông bào Thái. Đồng thời, tôi cũng sẽ nghiên cứu để lồng ghép giới thiệu các tác phẩm này cho học sinh địa phương để các em hiểu hơn, thêm yêu quý và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy giáo góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số