Thời gian là minh chứng cụ thể nhất cho việc thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành thêm của doanh nghiệp là vì lợi ích cao nhất của cổ đông hay chỉ là những “chiêu trò” của Ban lãnh đạo doanh nghiệp!
Trong thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp trên sàn thông báo thay đổi mục đích sử dụng vốn sau khi phát hành thêm thành công. Có nhiều doanh nghiệp phát hành từ nhiều năm trước nhưng sau một thời gian dài thực hiện giải ngân, phân bổ nguồn tiền thì đến nay lại thông báo thay đổi mục đích sử dụng vốn.
Cụ thể như trường hợp của CTCP DIC Số 4 (HNX: DC4). Từ giữa năm 2010, Công ty chào bán thành công gần 3 triệu cp và thu về hơn 37 tỷ đồng, mục đích đợt phát hành này là để đầu tư dự án cụm công nghiệp Tam Phước 1. Tuy nhiên, dự án của DC4 dường như chỉ “dậm chân tại chỗ”. Trong hơn 3 năm, DC4 có 5 lần thông báo tiến độ sử dụng vốn với cùng 1 nội dung là đã giải ngân được 1.72 tỷ đồng.
Mới đây, DC4 cho biết sẽ thay đổi mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành này do cụm công nghiệp Tam Phước 1 đã bị loại bỏ quy hoạch theo quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, số tiền còn lại từ đợt phát hành này sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trường hợp của CTCP Phân phối Khí thấp Áp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD) thì khả quan hơn. Đầu năm 2011, PGD phát hành 9.9 triệu cp (thu về 99 tỷ đồng) với mục đích sử dụng cho 5 dự án gồm Hệ thống thấp áp giai đoạn 2; Hệ thống cung cấp khí tại Nhơn Trạch; Hệ thống cấp khí thấp áp cho KCN Phước Hiệp – Long Hậu, KCN Cần Thơ và khu vực Bắc Bộ.
Sau đó, đến giữa năm 2013, HĐQT PGD thống nhất chuyển đổi mục đích sử dụng vốn, toàn bộ số tiền chỉ còn tập trung vào dự án Hệ thống cung cấp khí tại Nhơn Trạch. Và đã giải ngân toàn bộ vốn cho dự án này tính đến cuối năm 2013.
Ở góc độ nào đó, việc thay đổi hay điều chỉnh một phần mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành của doanh nghiệp ngoài mong muốn vẫn xảy ra khi gặp phải các vấn đề phát sinh thực tế trong quá trình triển khai dự án như trường hợp của DC4 ở trên.
Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn phát hành cho các doanh nghiệp trên sàn cho rằng, đối với người bỏ tiền ra mua vốn phát hành thêm, điều họ quan tâm nhất là tiền đó sử dụng để làm gì, liệu có mang lại hiệu quả cho họ trong tương lai hay không. Vì thế khi doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành sẽ vô hình trung làm cho cổ đông cảm thấy nghi ngờ về năng lực của công ty cũng như đánh mất uy tín doanh nghiệp sau lần phát hành này.
Có thể thấy, câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng vốn của các doanh nghiệp sau phát hành không phải mới và chỉ thực sự bị “quản lý” khi Thông tư 09/2010/TT-BTC ra đời bắt buộc các công ty đại chúng phải báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần về tiến độ sử dụng vốn. Trước đó, đã có doanh nghiệp bị phạt vì sử dụng vốn phát hành sai mục đích, mà cụ thể là trường hợp của CTCP Thép Dana Ý (HNX: DNY) vào cuối năm 2011.
Mới đây, một doanh nghiệp niêm yết cũng xin chuyển đổi mục đích sử dụng vốn phát hành thêm. Vấn đề ở chỗ là doanh nghiệp này đã có động thái “đi ngược” với mục đích sử dụng vốn của đợt phát hành trước khi thông báo thay đổi mục đích sử dụng với cổ đông.
Cụ thể, cuối tháng 09/2013, CTCP Ngoại Thương & PT ĐT Tp.HCM (HOSE: FDC) phát hành thành công 6.3 triệu cp để thu về 122 tỷ đồng nhằm phân bổ vào dự án Đầu tư khai thác mỏ cát, mỏ đá thuộc KCN Tân Đức (62 tỷ đồng) và Dự án Khu Đô thị - Thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương. Song, đến 31/12/2013, FDC quyết định thoái vốn tại đơn vị quản lý dự án Đầu tư khai thác mỏ cát, mỏ đá thuộc KCN Tân Đức trên. Điều này đồng nghĩa với việc FDC sẽ rút và không đầu tư vào dự án tại KCN Tân Đức.
Tuy nhiên, phải đến tháng 5/2014, FDC mới công bố thay đổi mục đích sử dụng vốn với mục tiêu mới là đầu tư vào Dự án xây mới Tòa nhà Văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan - Q.1 - TPHCM. Trong phần giải trình của mình, FDC cho rằng thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nên Công ty chưa thể tiếp tục đầu tư triển khai 2 dự án vì hiệu quả không khả thi. Bên cạnh đó, FDC cho biết công tác đền bù, giải tỏa tại Dự án Khu Đô thị - Thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương đã không được các hộ dân đồng ý mặc dù đã hoàn thành thi công san lấp đợt 1.
Ngoài ra, cũng còn nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác vừa xin thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành như PVX, DNM hay ASA. Trong đó, CTCP Liên Doanh SANA WMT (HNX: ASA) là đáng chú ý nhất khi mục đích sử dụng vốn (chiếm 70% vốn điều lệ) bị thay đổi hoàn toàn chỉ sau 4 tháng, sau khi đợt phát hành kết thúc.
Bình luận về hiện tượng thay đổi mục đích sử dụng vốn phát hành thêm, Trưởng bộ phận chăm sóc khối khách hàng doanh nghiệp của một công ty chứng khoán lớn cho rằng, việc thay đổi mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp này sẽ tạo tiền lệ xấu cho hoạt động tăng vốn của các doanh nghiệp khác, vì nhà đầu tư cũng lo sợ với việc các doanh nghiệp khác cũng sẽ có nhiều thay đổi trong kế hoạch. Đó là chưa kể đến kịch bản Ban lãnh đạo các doanh nghiệp vượt qua quyền cổ đông để sử dụng vốn vào những mục đích khác, gây rủi ro mất vốn cao.
Ở khía cạnh khác, một số cổ đông lớn gắn bó lâu dài với công ty, vì mong muốn việc phát hành diễn ra “trót lọt” đã hiến kế cho doanh nghiệp nên đưa ra mục đích phát hành chung chung kiểu như bổ sung nguồn vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh. Sau đó, khi hoàn thành việc phát hành thì “tùy cơ ứng biến” vào điều kiện thị trường mà quyết định đầu tư vào dự án nào để mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và cổ đông.
Phương Châu