Sau 4 năm triển khai chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng đã đến lúc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt kể từ năm 2025, nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.
Chính sách tài khóa nới lỏng - cần thiết để phục hồi kinh tế
Chính sách tài khóa là công cụ quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thời gian qua, chính sách tài khóa đã là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Hơn 4 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế; cộng với căng thẳng địa chính trị trên thế giới tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, hơn lúc nào hết, các chính sách tài khóa đã phát huy hiệu quả vai trò, là động lực cho tăng trưởng.
Năm 2024, Việt Nam đã tiếp tục chọn chính sách tài khóa nới lỏng với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau những tác động tiêu cực từ đại dịch và thiên tai. Bối cảnh toàn cầu đầy biến động, cùng với lạm phát và suy thoái ở các thị trường lớn, đã tạo ra áp lực đáng kể lên nền kinh tế Việt Nam.
Theo AFA Capital, Chính phủ đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8%, một biện pháp khuyến khích tiêu dùng nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đầy khó khăn. Đồng thời, giải ngân đầu tư công cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tốc độ giải ngân đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 47,8%. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và kích thích nhu cầu nội địa.
Điều này đã tạo ra những tác động tích cực rõ rệt đối với nền kinh tế với nhiều chỉ số có dấu hiệu phục hồi ấn tượng.
Chính sách tài khóa nới lỏng đã mang lại những kết quả tích cực, tuy nhiên theo Bộ Tài chính, đã đến lúc thắt chặt tài khóa vào năm 2025, dừng chính sách miễn, giảm thuế phí. Đồng thời, cơ quan chức năng tập trung sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Sau nhiều năm hỗ trợ nền kinh tế thông qua các gói kích thích, nợ công của Việt Nam đã có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho Chính phủ trong việc kiểm soát nợ công và đảm bảo ngân sách ổn định.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, các chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp chỉ nên coi là cú hích, là “vốn mồi”, không nên lạm dụng quá lâu.
Chúng ta phải nhìn xa, trông rộng, đừng trông chờ quá lớn vào nguồn lực của chính sách tài khóa. Ví như cải cách tiền lương, dù đã được Chính phủ, Bộ Tài chính cân đối tính toán, đảm bảo nguồn nhưng cũng chỉ đến năm 2026, còn thời gian tới ra sao cũng phải tính đến từ giờ.
Hay như bội chi, nợ công chúng ta đã kéo giảm rất tốt, không thể thực hiện một số chính sách có nguy cơ ảnh hưởng tới các mục tiêu chúng ta đã mất nhiều thời gian, công sức góp nhặt qua nhiều năm mới đạt được.
Cân nhắc giữa tăng trưởng và ổn định: Bài toán khó của chính sách tài khóa
Song việc thắt chặt tài khóa sẽ không phải là một quyết định dễ dàng. Để tránh gây ra cú sốc cho nền kinh tế, Chính phủ sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc giảm tốc độ giải ngân đầu tư công và duy trì động lực tăng trưởng.
Việc thắt chặt tài khóa có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Khi các gói hỗ trợ bị thu hẹp, khả năng tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, điều này có thể làm tăng chi phí vay vốn và giảm lợi nhuận của họ.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ thực hiện thắt chặt tài khóa một cách thận trọng, điều đó sẽ giúp cải thiện tính minh bạch trong quản lý chi tiêu công và tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững hơn trong dài hạn. Nếu duy trì được mức lạm phát dưới 4% và lãi suất thấp, Chính phủ có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực từ việc thắt chặt tài khóa lên nền kinh tế.
Thách thức lớn của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam là việc cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và duy trì sự ổn định tài chính.
Trong ngắn hạn, nới lỏng tài khóa có thể kích thích tăng trưởng, nhưng về lâu dài, thắt chặt tài khóa là điều cần thiết để tránh nguy cơ thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng.
Thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cần tăng cường năng lực cho tài chính công, tập trung tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có tác dụng lan tỏa, như đầu tư các bến cảng, sân bay. Duy trì chính sách tài khóa thắt chặt nhằm đảm bảo an toàn tài chính công; có nguồn lực cho thực hiện cải cách tiền lương.
Về lâu dài, theo Phó Thủ tướng, cần các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó có nguồn thu cho NSNN.