Thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi): Nhiều đề xuất quan trọng được đề cập

Mai Thoa| 13/11/2019 17:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 12/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, có nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung quan trọng được các đại biểu Quốc hội (ĐB) đề cập đến.

Không “công chức hóa” đại biểu Quốc hội

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Sau hơn 3 năm thi hành cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

 Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Vì vậy, đa số ĐB tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.

Thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi): Nhiều đề xuất quan trọng được đề cập

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phát biểu thảo luận

 Qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐB đồng ý với đề xuất tăng số lượng ĐB chuyên trách. Các ĐB cho rằng, việc tăng số lượng ĐB chuyên trách bắt nguồn từ yêu cầu giải quyết công việc hàng ngày đang gia tăng trong các cơ quan của Quốc hội, góp phần tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đồng tình và cho rằng thực tế nhiệm kỳ vừa qua Quốc hội cũng đã có những giải pháp để thu hút được các lực lượng khá đông cán bộ ở các cơ quan Trung ương và địa phương có trình độ, năng lực về làm cơ quan chuyên trách của Quốc hội. Để tăng đại biểu chuyên trách, cần nghiên cứu cơ chế để không “công chức hóa” ĐB chuyên trách mới có thể thu hút được lực lượng trí thức, nhà khoa học giỏi, luật sư có trình độ, những doanh nhân thành đạt họ có tâm huyết muốn đóng góp cho Quốc hội, đất nước.

Minh họa cho đề xuất này, ĐB nêu ví dụ: Một giáo sư đại học sau khi về hưu có mong muốn đóng góp cho Quốc hội, họ có thể trở thành ĐB  chuyên trách. Chúng ta có chế độ trả lương, khi họ không đảm bảo yêu cầu thì có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm thay bằng việc hiện nay đang “công chức hóa” ĐB chuyên trách; tạo thành rào cản không thể thu hút những người thực sự giỏi, tâm huyết muốn xây dựng đất nước.

Vấn đề nữa được ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất là về số kỳ họp trong một năm. Theo ĐB nên nghiên cứu có thể thiết kế 4 kỳ họp trong năm, mỗi kỳ có thể kéo dài khoảng 2 tuần. Với phương thức này, chúng ta giải quyết và xử lý kịp thời những nhiệm vụ của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ trong bối cảnh sự phát triển rất nhanh của kinh tế- xã hội. Khi xuất hiện những vấn đề bức xúc của cử tri thì có thể đưa ngay đến diễn đàn nghị trường, bởi có những vấn đề bức xúc vào cuối năm nay nhưng phải đến tháng 5 sang năm Quốc hội mới họp sẽ không thể xử lý kịp thời.

 Bên cạnh đó, hầu hết các ĐB là kiêm nhiệm nên nhiệm vụ chuyên môn đương nhiên phải là chủ yếu. Khi thiết kế kỳ họp 2 tuần, các ĐB  sẽ dễ dàng trong việc sắp xếp, bố trí thời gian để thực hiện công việc của mình, khắc phục được việc ĐB  phải nghỉ nhiều, vắng nhiều ở các kỳ họp của Quốc hội. Còn về mặt tâm lý và sức khỏe, với thời gian họp ngắn hơn như vậy đảm bảo sức khỏe của ĐB, vừa đảm bảo làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ của người đại diện cho cử tri.

Làm thế nào để địa phương không chi phối hoạt động của đại biểu

Vẫn tiếp những đề xuất trên, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị quy định tỷ lệ của các thành phần trong Luật để đảm bảo tính khả thi; ĐB chuyên trách nên từ 35 cho đến 40% là phù hợp. Tại thời điểm này chúng ta có thể tăng khoảng 2% ĐB chuyên trách trên số ĐB chuyên trách hiện hành. Bên cạnh đó cần cân đối để xây dựng vị trí việc làm của các ĐB chuyên trách, bởi vì việc tăng này đồng nghĩa với việc tăng biên chế đại biểu chuyên trách trong các cơ quan của Quốc hội, ĐB Lan kiến nghị.

Liên quan đến việc làm thế nào để ĐB hoạt động tại địa phương không bị chi phối do phụ thuộc tài chính của tỉnh, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị Luật quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương theo phân cấp có trách nhiệm quản lý ĐB hoạt động chuyên trách về việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm…

 Về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, Luật hiện hành quy định ngân sách địa phương chịu trách nhiệm về nguồn chi này, tức là HĐND cấp tỉnh quyết định kinh phí phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH. ĐB Phương cho rằng, quy định này không hợp lý và không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

ĐB là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân không chỉ ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Do đó, kinh phí hoạt động do địa phương đảm bảo là chưa phù hợp với tính chất hoạt động của ĐB ; hoạt động đó sẽ bị ảnh hưởng, khó khách quan, độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Mặt khác, ngân sách mỗi địa phương tự cân đối, có thể có định mức chi khác nhau, song cùng thực hiện nhiệm vụ ĐB nhưng chế độ lại khác nhau. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu quy định cho phù hợp.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định Quốc hội chịu trách nhiệm các khoản chi chế độ cho ĐB, địa phương chịu trách nhiệm chi cho các khoản chi hoạt động của Đoàn ĐBQH là không phù hợp. Vì vậy, nên nghiên cứu quy định lại, để khẳng định việc Quốc hội chịu trách nhiệm về hoạt động của Quốc hội và bằng nguồn ngân sách Trung ương.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thật sâu các ý kiến đóng góp và có đề án riêng để báo cáo cụ thể. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin phép thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 của năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi): Nhiều đề xuất quan trọng được đề cập