Nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng, làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội, cần phải được quy định trong Luật Quốc phòng sửa đổi", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa)
Trong phiên họp thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) diễn ra sáng nay (24/11), nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến với Điều 16 quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng.
Các ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh)… tán thành với việc quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng tại dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị quân đội, chính quyền địa phương triển khai. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, quân đội làm kinh tế với mục đích đầu tiên là gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia. Quân đội làm kinh tế góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ. Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội, mà các doanh nghiệp Nhà nước khác không làm được.
Đồng ý với quan điểm quân đội tham gia làm kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích về cơ sở pháp lý, Nghị quyết Đại hội Đảng 12 khẳng định, kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá xã hội với quốc phòng an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa xã hội. Trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp năm 2013 cũng đề cập tới kết hợp quốc phòng an ninh và kinh tế. Về thực tiễn, kinh tế và quốc phòng có quan hệ chặt chẽ biện chứng.
"Chính vì vậy, quân đội làm kinh tế là làm mạnh thêm cho quân đội, an ninh, tốt hơn cho xã hội, nhân dân, xã hội đánh giá cao hoạt động kinh tế của quân đội", đại biểu Trí nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu Trí đề nghị quân đội phải rạch ròi những nội dung, phạm vi hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng và nội dung phạm vi hoạt động làm kinh tế đơn thuần, không sử dụng đất đai sai mục đích. Trong các hoạt động làm kinh tế thì phải chấp hành luật pháp liên quan như đất đai, thương mại, cạnh tranh bình đẳng như doanh nghiệp khác. Hoạt động kinh tế của quân đội ưu tiên đúng nội dung, gắn với lợi thế của quân đội, gắn liền quốc phòng an ninh.
Qua xem xét thực tiễn hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) cho rằng, có đủ căn cứ từ thực tiễn để kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là kết hợp giữa quốc phòng và kinh tế. Vì rằng, ngay từ ngày đầu thành lập, chức năng, nhiệm vụ của quân đội đã được xác định: Quân đội ta là đội quân cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Chức năng cơ bản này của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được khẳng định và phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành hơn 70 năm qua. Những năm gần đây, Quân đội phát huy vai trò là nòng cốt, tham gia tích cực đóng góp công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các khu kinh tế - quốc phòng, tạo điều kiện ổn định có hàng vạn hộ dân ổn định cư lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược trên những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Nhấn mạnh thực tế các doanh nghiệp quân đội đã và đang không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kinh doanh, kết hợp kinh doanh với nhiệm vụ quốc phòng. Đại biểu Nguyễn Văn Khánh cho biết, Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, khẳng định Quân đội Việt Nam là Quân đội nhân dân. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp Quân đội không làm kinh tế đơn thuần, mà làm kinh tế quốc phòng, kinh tế khoa học công nghệ, để phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng, góp phần gia tăng sức mạnh quân đội và tiềm lực quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.
Tán thành với Điều 16, dự thảo Luật, song ĐBQH Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng, phải xem nhu cầu thực tế, yêu cầu kết hợp đến đâu giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, vì không phải trong nhiệm vụ nào cũng có thể kết hợp. Ví dụ, “trong thời kỳ kinh tế thị trường, thì nhiệm vụ xây dựng dân dụng, bệnh viện, may mặc đâu nhất thiết phải quân đội hóa”. Còn theo ĐBQH Phùng Đức Tiến (Hà Nam), quy định tại Điều 16 so với Luật Quốc phòng hiện hành chưa có điểm gì mới, chưa thấy rõ vai trò của Nhà nước. Cần khẳng định Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chung trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hoá - xã hội. Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành khác, địa phương là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai, đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị.
Giải trình về vấn đề quân đội tham gia sản xuất, làm kinh tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch báo cáo, ngay từ ngày đầu thành lập, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Bác Hồ xác định: "quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất lao động." Chức năng cơ bản đó được khẳng định và phát huy trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội trong hơn 70 năm qua. Quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013.
Thực hiện chức năng được giao, quân đội đã tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng; đảm bảo cơ sở hạ tầng, tránh hoang hóa đất đai; tạo điều kiện cho hàng vạn hộ dân làm kinh tế, ổn định đời sống, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng du canh, du cư ở một số đồng bào dân tộc; xây dựng các làng, bản thành phên dậu vững chắc tuyến biên giới của Tổ quốc. Đây là những địa bàn mà những doanh nghiệp ngoài quân đội hầu như không đầu tư vì lợi nhuận thấp.
Đối với các doanh nghiệp quân đội, bên cạnh không ngừng đổi mới đáp ứng hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Nhiều doanh nghiệp lập được thương hiệu, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị công nghệ cao, mỗi năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Công ty Tân cảng Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội MB Bank...
Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tiến hành đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu doanh nghiệp quân đội từ 88 doanh nghiệp, chỉ để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng; số còn lại thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa, sáp nhập. Ngoài ra, các đoàn kinh tế quốc phòng, các doanh nghiệp quân đội còn là đơn vị dự bị động viên sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực khi đất nước có chiến tranh.
"Vì vậy, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng, làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội, cần phải được quy định trong Luật Quốc phòng sửa đổi", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.