Giáo dục

Tháo gỡ khó khăn cho các thí sinh trong tuyển sinh đại học

Anh Tuấn 20/03/2023 13:16

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không ban hành quy chế tuyển sinh nhưng sẽ có những đổi mới về kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia xét tuyển.

Tại ngày hội tư vấn - hướng nghiệp 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đã có lưu ý về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay.

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, năm nay thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành. Đây là điểm mới của tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm nay.

Việc điều chỉnh về mặt kỹ thuật này tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.

images5356027_h_c_sinh_t_m_hi_u_th_ng_tin_tuy_n_sinh_c_a_c_c_tr__ng.___1_.jpg
Ảnh minh họa

Về đối tượng ưu tiên, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Năm nay, tại thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT thí sinh cung cấp thông tin luôn về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên của mình để cán bộ tiếp nhận các Sở GD&ĐT, thầy cô trường THPT rà soát thông tin. Bởi như năm ngoái các em thông tin nhầm về đối tượng ưu tiên nên khi đăng ký về hệ thống chung của Bộ GD&ĐT có hiện tượng, khi xét tuyển thí sinh đỗ đại học nhưng khi rà soát lại thì không đỗ".

Với những kỳ thi độc lập của các trường đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ sẽ cập nhật một số kỳ thi chung để các trường đại học có thể sử dụng kết quả đó xét tuyển ngành học theo yêu cầu kỳ thi độc lập.

Đến nay có khoảng 10 trường tổ chức kỳ thi độc lập. Những kỳ thi này có những mục đích xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, khẳng định của PGS. TS Nguyễn Thu Thủy với thí sinh là các em không phải tham gia thật nhiều kỳ thi để đỗ đại học. Bởi 100% trên cả nước đều dành một chỉ tiêu nhất định để xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Về phương thức xét tuyển sớm, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định: “Dù thí sinh đăng ký xét tuyển sớm nhưng vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng để xét tuyển cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (cao nhất là nguyện vọng 1). Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất. Các trường phải công bố phương án xử lý rủi ro”.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy lấy dẫn chứng, giả sử thí sinh trúng tuyển 5 nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường nhưng thí sinh lại không để nguyện vọng 1 với các nguyện vọng đó mà để nguyện vọng 1 là phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đỗ cả phương thức này thì hệ thống sẽ chỉ xác định thí sinh đỗ nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên. Nếu đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tuyển tiếp.

“Thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 với nguyện vọng xét tuyển sớm. Nếu các cơ sở đào tạo tư vấn như vậy với thí sinh thì các cơ sở đã làm sai quy định của Bộ GD&ĐT. Riêng các trường công an, quân đội sẽ có quy định riêng trong việc xét tuyển”, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn cho các thí sinh trong tuyển sinh đại học