Tin địa phương

Thành uỷ TP.HCM chấp thuận tổ chức Lễ Giỗ tập thể Biệt động Sài Gòn – Gia Định

Minh Đức 17/02/2025 - 11:17

Tưởng niệm và tri ân những người có công với đất nước, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Thành phố sẽ cử cán bộ tham dự kính lễ và hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ giỗ tập thể Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Sáng 17/2, CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang khối Vũ trang – Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định cho biết đã nhận công văn chấp thuận về việc tổ chức Lễ Giỗ tập thể Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

gio1-z6324493075621_61cfe212b7f939fa3d3c5cffaa33b7e8.jpg
Con cháu của các thế hệ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định cùng tụ về ngôi nhà chung tại số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10, TP.HCM) để thành kính dâng hương, dâng hoa vào Mùng 6 Tết Ất Tỵ.

Theo đó, Thường trực Thành uỷ TP.HCM hoan nghênh các cơ quan, đơn vị đã phối hợp báo cáo, đề xuất việc tổ chức Lễ Giỗ tập thể các Anh hùng, liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Theo công văn, việc tổ chức lễ giỗ tập thể người hy sinh cho đất nước theo truyền thống lịch sử văn hoá của dân tộc là việc đáng trân trọng, cần gìn giữ và phát huy để tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, duy trì truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Thường trực Thành uỷ giao Ban Tổ chức Thành uỷ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá và Thể thao, Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn Thành phố nghiên cứu tham mưu, đề xuất việc tổ chức lễ giỗ được trang trọng, tập trung ý nghĩ tri ân, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; cấp địa phương, cơ sở, gia đình nghiên cứu đề xuất lãnh đạo Thành phố cử cán bộ tham dự kính lễ và hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ giỗ phù hợp.

Đồng thời Thường trực Thành uỷ giao Đảng uỷ Quân sự Thành phố chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thành phố chủ trì, phối hợp với CLB Truyền thống kháng chiến Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lễ giỗ gắn với ngày có ý nghĩa tương đồng đảm bảo trang trọng, ấm cúng, thiết thực để thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau đối với những người đã hy sinh vì đất nước.

gio2-z6324506784601_b9f3e8e40560d3579afc12da9980f4d5.jpg
Hình ảnh vui mừng khi mọi người nhận tin khởi công Bia tưởng niệm các Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định vào Mùng 6 Tết Ất Tỵ.

Trước đó, ngày 2/8/2024, Văn phòng Thành uỷ TP.HCM ra thông báo về việc đề xuất Bia tưởng niệm các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM. Theo đó, tập thể Thường trực Thành uỷ thống nhất kết luận: “Đây là việc làm rất có ý nghĩa mà cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thành phố cần phải quan tâm, có bổ phận chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn”.

Mới đây, sáng 3/2 (Mùng 6 Tết Ất Tỵ), Bộ Tư lệnh TP.HCM đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM. Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Rậm - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh TP.HCM; ông Lê Hoàng Quân - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM và nhiều đại biểu khác.

khoi-cong-p2422557-1-.jpg
Buổi Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM diễn ra trang nghi với sự tham dự của lãnh đạo các cấp từ địa phương đến Thành phố ngày 3/2/2025.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn – Gia định cho biết, việc xây dựng Bia tưởng niệm đã ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang TP.HCM.

Theo bà Nga, do điều kiện khi các chiến sĩ hy sinh không có địa chỉ, không có họ tên cũng như không có gia đình. Đến hôm nay, trong số 61 người đã hy sinh trong lúc chiến đấu năm 1968, chỉ tìm được thân nhân 8 người, còn 53 người vẫn chưa tìm được danh tính. Từ đây, chấm dứt những ngày vong hồn của các anh phải lang thang đây đó…

Hàng năm, vào ngày Mùng 6 Tết Nguyên đán, con cháu của các thế hệ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định cùng tụ về ngôi nhà chung tại số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 10, TP.HCM, trước đây là garage xe phục vụ hậu cần – kỹ thuật cho lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định) để thành kính dâng hương, dâng hoa.

Hoạt động này nhằm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia định đã hy sinh trong các trận đánh vào cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn năm 1968. Đó là các mục tiêu như Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất...

Lễ giỗ chung cho các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ luôn ghi nhớ những cống hiến to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đồng thời, nhắc nhở các thế hệ trẻ tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, ra sức cống hiến để xây dựng đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành uỷ TP.HCM chấp thuận tổ chức Lễ Giỗ tập thể Biệt động Sài Gòn – Gia Định