Thành tựu và rào cản phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

Minh Khang| 23/11/2021 07:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 5 năm đề ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam đạt được một số thành tựu nhất định nhưng còn nhiều rào cản.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 24/11, sau 75 năm kể từ hội nghị lần thứ nhất. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sự kiện là cơ hội nhìn lại văn hóa nước nhà đã đạt được những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào.

Trước đó, tháng 9/2016, chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - cho biết công nghiệp văn hóa là các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp công nghệ, kỹ năng kinh doanh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tại Việt Nam, cơ cấu gồm 12 ngành: Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa, Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ.

Chiến lược đặt mục tiêu phát triển văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và tăng lên 7% vào năm 2030. Sau 5 năm, chiến lược này đạt một số thành tựu nhất định. Ông Bùi Hoài Sơn cho biết theo báo cáo quốc gia, năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% GDP, cao hơn dự tính. Ông Sơn nói: "Con số này hứa hẹn tương lai đóng góp 7% GDP vào năm 2030 là khả thi".

Ông Bùi Hoài Sơn. Ảnh:Hoàng Phong

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Hoàng Phong

Tại hội thảo khoa học "Từ Hội Văn hóa cứu quốc đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ", hôm 19/11 ở Hà Nội, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết sản lượng phim Việt tăng nhanh, hiện đạt khoảng 50 phim truyện điện ảnh một năm, tạo nên thị trường điện ảnh sôi động, nhất là ở TP HCM. Theo số liệu thống kê từ hệ thống rạp phim cả nước, tổng doanh thu màn ảnh Việt năm 2019 trên 4.100 tỷ đồng, tăng 26% so với 2018. Các phim điện ảnh Việt chiếm 29% doanh thu, ước tính 1.150 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với 800 tỷ đồng của năm 2018). Năm 2020, con số này giảm xuống còn 710 tỷ đồng do dịch. Cả nước hiện có 1.207 phòng chiếu với 171.552 ghế.

Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn nhiều rào cản, theo giới chuyên môn. Ông Bùi Hoài Sơn nhận định Việt Nam có đầy đủ 12 ngành công nghiệp văn hóa nhưng chưa phát triển đúng theo hướng kinh tế thị trường. Ông nói: "Chúng ta phải quan niệm các sản phẩm văn hóa là hàng hóa, đáp ứng các quy luật thị trường, để có chiến lược kinh doanh phù hợp bối cảnh xã hội". Ví dụ muốn phát triển điện ảnh phải kết hợp tài năng sáng tạo của đạo diễn, biên kịch..., khai thác giá trị văn hóa dân tộc, ứng dụng công nghệ và chiến lược phát hành nhằm mang lại lợi nhuận... Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa làm được.

Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - đồng nhận định Việt Nam chưa xây dựng được thị trường văn hóa. Trong lĩnh vực mỹ thuật, thị trường tranh giả "hoành hành" hơn ba thập niên qua vẫn chưa được giải quyết. "Khi vẫn còn tranh giả thì không thể nào tạo ra thị trường nội địa đúng nghĩa, chuyên nghiệp để thúc đẩy sự sáng tạo và nâng giá tranh. Đó chính là lý do thị trường nước ngoài đang định đoạt giá tranh Việt chứ không phải trong nước", ông nói.

Vấn đề kiểm duyệt là một trong những rào cản lớn. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng muốn phát triển cần phải tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Điều này tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, tránh tình trạng "không quản lý được thì cấm". Ngoài ra, nhiều thành viên trong hội đồng nghệ thuật, kiểm duyệt có quan điểm, cách nhìn về nghệ thuật khác biệt, dẫn đến những quyết định không hợp lý. Ông cho biết: "Khi phát triển công nghiệp văn hóa thì các sản phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Tiền kiểm tức là kiểm duyệt nhu cầu của người dùng, cách thức có thể phá nát thị trường".

Trước đó, giới làm phim cũng đề xuất tự kiểm duyệt khi chiếu mạng. Ông Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia - cho rằng cách này tương đồng cách thức hoạt động của nhiều quốc gia. Khi tự kiểm, các tổ chức, cá nhân phát hành phim phải tuân thủ theo các điều luật hiện hành, nhất là các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.

Bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - nhấn mạnh vấn đề vi phạm bản quyền, đặc biệt là trên không gian mạng. Theo bà, Việt Nam cần thực hiện nghiêm các luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm và công trình văn học, nghệ thuật. "Đây là cơ sở quan trọng để khuyến khích, phát huy tính sáng tạo của các nghệ sĩ, là giải pháp căn cơ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển", bà nói.

Giới chuyên môn cho rằng Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 là cơ hội để các văn, nghệ sĩ hiến kế phát triển văn hóa, các cơ quan ban ngành nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, tính từ năm 1986, và đưa ra kế hoạch phát triển thời gian tới.

Theo bà Thu Đông, nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay như: nhận thức, nguồn lực đầu tư... "Nhiều báo cáo về lĩnh vực này có đánh giá: 'Phát triển văn hóa, xây dựng con người chưa tương xứng với phát triển kinh tế'. Vậy phải chăng 'không quan tâm đúng mức đối với văn hóa' là căn bệnh khó chữa ở Việt Nam", bà nói. Bà kỳ vọng sự kiện góp phần thúc đẩy văn hóa phát triển, từ tư duy đến thực tiễn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - đề xuất những giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa như: cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật; ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới; cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực toàn diện, đúng trọng tâm; chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu và rào cản phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam