Việt Nam đang được đánh giá là có điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) khi là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet.
Công nghệ số là nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Tại một số nước phát triển, kể cả các nước đang phát triển đã xuất hiện ngày càng nhiều “ngân hàng không giấy”. Các dịch vụ ngân hàng qua Internet, Mobile, mạng xã hội, phát triển ngân hàng số áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại thông qua việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc…đang mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment)
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh (smart phone) đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng. Theo số liệu thống kê mới đây, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) tạo bước đột phá giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, thanh toán di động là một xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết.
Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng, tiến bộ của sản phẩm công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động ... Đồng thời, nhà quan rlys sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.
Mới đây, NHNN đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017 – 2020, mục tiêu là đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cũng có POS;100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách Nhà nước. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng đến các vùng sâu, xa, hải đảo để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại những nơi này.
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ thanh toán qua mobile thực sự là công cụ thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion), được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu. Và đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Theo Phó Thủ tướng, một hệ sinh thái cho mobile payment được xem là tối ưu khi chúng ta đảm bảo cho hệ sinh thái này phát triển nhanh, bùng nổ. Để làm được điều này đòi hỏi sự liên kết rất lớn giữa hạ tầng kỹ thuật, thương mại và tài chính. Bên cạnh đó, cần xây dựng niềm tin để người tiêu dùng thay đổi thói quen từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến.
Theo ông Eric Jing - CEO Ant Financial Services (Công ty mẹ của AliPay), khi phát triển Taobao, AliPay nhận khá nhiều câu hỏi từ phía khách hàng đặt ra như mức độ an toàn, bảo mật... nhưng vẫn làm và đã vượt qua những rào cản ban đầu, dần dần xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng, thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng trong thanh toán trực tuyến.
“Tính bảo mật là yếu tố quan trong nhất trong những ngày đầu chúng tôi xây dựng, phát triển hệ thống, dịch vụ. Kể cả khi dịch vụ đã phát triển ở mức cao hơn thì bảo mật, an toàn vẫn là nhân tố hàng đầu chúng tôi hướng tới. Trong bối cảnh mới với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thì cũng cần ứng dụng ngay vào nền tảng phát triển dịch vụ để người tiêu dùng được hưởng lợi.”, ông Eric Jing nói.
Nhận xét về cơ hội của Việt Nam, ông Eric Jing cho rằng cơ hội đang đến và bình đẳng cho mọi người khi ở Việt Nam 50% dân số sử dụng điện thoại thông minh, yếu tố này cần được tận dụng để giúp khơi gợi sáng tạo, khởi nghiệp trong doanh nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tận dụng, sử dụng công nghệ để khiến khách hàng thấy thoải mái, tin cậy với dịch vụ.