Với 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra đều đạt và vượt, kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2018 tiếp tục gây ấn tượng mạnh với nhiều nước trong khu vực và quốc tế về một Việt Nam có niềm tin và ý chí mạnh mẽ để “cất cánh” trên những chặng đường mới.
Thành công với nhiều kết quả ấn tượng
Bước sang năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% cao nhất trong 11 năm qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp chuyến bay đầu tiên khai trương sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54%, là năm thứ 3 liên tiếp CPI ở mức dưới 4%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt trên 6% so với dự toán và tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2017. Bội chi NSNN được kiểm soát ở mức 3,6%. Nợ công trong giới hạn cho phép.
Bên cạnh ổn định, tăng trưởng kinh tế, những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, tiến bộ trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh.
“Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây, bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Có thể khẳng định, những kết quả ấn tượng này là cơ sở, nền tảng vững chắc để đất nước tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập. Đồng thời củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nhìn nhận: “Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được rất nổi bật. Trong suốt 30 năm qua, nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh”.
Với những kết quả kinh tế-xã hội đạt được năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan tỏa rộng khắp trên cả nước”.
Nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm cao
Để có được kết quả đạt ấn tượng và toàn diện như trên phải kể đến vai trò của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã luôn chỉ đạo, điều hành với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao. Đặc biệt quan tâm, đặt nền móng cho phát triển dài hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan; có các giải pháp tổng thể thúc đẩy phát triển ổn định thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các chương trình nhà ở xã hội.
Tiếp tục xác định năm 2018 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) và triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, Chính phủ đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản Nhà nước, thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Sự cải thiện về môi trường, chất lượng đầu tư kinh doanh của Việt Nam năm 2018 đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu-Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô đạt 75/100 điểm (xếp thứ 64/140).
Chủ động, khát vọng cho ngày mai
Ngay trong Phiên họp Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày cuối cùng của năm, cho rằng năm 2018 đạt nhiều kỷ lục và toàn diện, bộ mặt đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện, Thủ tướng khẳng định, con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. Song, Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ và ban, ngành địa phương cần nhìn nhận rõ các tồn tại, bất cập.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh khát vọng đưa đất nước tiến lên, không chịu nghèo đói lạc hậu. Còn nhớ trong bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 11/2018, lần đầu tiên, một vị Thủ tướng đề cập rõ ràng các mục tiêu dài hạn trước Quốc hội “không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp” với sự kiên định niềm tin vào lý tưởng và mục tiêu về một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Thủ tướng cũng đã xác định rõ, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm nước nhà độc lập, quy mô GDP Việt Nam ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD, thì chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Do đó, để đạt được mục tiêu 2045 đòi hỏi Chính phủ phải có khát vọng và chủ động ngay từ ngày hôm nay.
“Ngày hôm nay” cũng đã được người đứng đầu Chính phủ bắt đầu từ những ngày qua, khi mà tại một loạt các cuộc họp của Chính phủ vào cuối năm 2018, Thủ tướng đã đặt ra các vấn đề hệ trọng liên quan đến đổi mới, phát triển đất nước để các thành viên Chính phủ, Tổ tư vấn Kinh tế bàn thảo, chỉ ra những ưu tiên cho năm 2019, 5 năm và 10 năm tới. Và “bứt phá” đã được xác định mục tiêu chủ đạo cho năm 2019. Chỉ có bứt phá mới nhanh chóng đạt được các mục tiêu phát triển trong ngắn và dài hạn; để tăng tốc phát triển, chuẩn bị "về đích".