Liên hợp quốc hôm thứ hai đã tuyên bố, việc thành lập một ủy ban viết hiến pháp cho Syria vốn được chờ đợi từ lâu sẽ bao gồm chính phủ và phe đối lập, nhưng vẫn còn phải xem liệu kết quả cuối cùng có thể kết thúc cuộc nội chiến hay không.
Thành lập ủy ban hiến pháp cho Syria
Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, đã ca ngợi ủy ban này là bước đầu tiên để tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giết chết hàng trăm ngàn người suốt hơn 8 năm qua. Nhưng các chuyên gia phân tích lại thận trọng đặt câu hỏi về khả năng đạt được bao nhiêu thành công bởi quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dường như ngày càng mạnh hơn sau mỗi tháng.
"Tôi tin chắc rằng việc ra mắt Ủy ban Hiến pháp do Syria tổ chức và lãnh đạo có thể là khởi đầu của một con đường chính trị hướng tới một giải pháp," Guterres nói với các phóng viên. Ông đã phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 tại New York rằng đặc phái viên của ông tại Syria, Geir Pedersen, sẽ đưa các thành viên của ủy ban này ngồi lại với nhau trong vài tuần tới.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria Geir Pedersen đã có cuộc hội đàm "thành công" với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem về việc thành lập ủy ban.
Ủy ban sẽ bao gồm 150 thành viên - một phần ba được chọn bởi chế độ, một số lượng tương đương là từ phe đối lập và phần còn lại của Liên hợp quốc.
"Trong khi vẫn còn nhiều việc phải làm, đây là một bước đáng khích lệ để đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria", Bộ Ngoại giao Mỹ nói, đồng thời yêu cầu Tổng thống Assad "chấp nhận ý chí mong muốn được sống trong hòa bình của người dân Syria".
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini hoan nghênh thông báo này và nói rằng nó "mang lại hy vọng cho người Syria". "Chúng tôi mong muốn cuộc họp khai mạc của Ủy ban Hiến pháp sẽ diễn ra sớm nhất có thể và hy vọng rằng điều này sẽ thể hiện sự khởi đầu của một quá trình cuối cùng dẫn đến hòa bình mà người Syria rất cần và xứng đáng được hưởng," bà nói trong một tuyên bố.
Liên hợp quốc lần đầu tiên ủng hộ ý tưởng thành lập ủy ban tại một hội nghị do Nga tổ chức vào tháng 1 năm 2018 nhưng chính phủ của Assad đã trì hoãn việc hoàn thiện nó. Đây được xem là bước quan trọng để tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người. Sau khi đạt được thỏa thuận, Chính phủ Syria và phe đối lập đã sớm đưa ra danh sách 50 thành viên. Tuy nhiên, phải mất gần 20 tháng để thống nhất danh sách này, chủ yếu do sự phản đối của chính phủ Syria.
Thông báo hôm thứ Hai được đưa ra sau khi Guterres tuần trước thông báo rằng đã đạt được thỏa thuận liên quan đến "thành phần của ủy ban". Tranh cãi về việc ai sẽ đảm nhận vai trò nào trong ủy ban cũng làm trì hoãn quá trình. Điểm tạo ra sự gắn kết chính là 50 thành viên được Liên hợp quốc lựa chọn.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) tiếp đại sứ Nga Alexander Lavrentiev và phái đoàn của ông vào tháng 9 năm 2019
Bất công
Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria, Geir Pedersen, nói với các phóng viên ở Damascus hôm thứ Hai rằng ông đã có cuộc hội đàm "thành công" với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem về việc thành lập ủy ban. Pedersen cũng cho biết ông đã có những "cuộc thảo luận tốt" với Nasr al-Hariri, người đứng đầu nhóm đối lập của Ủy ban đàm phán Syria. Tuy nhiên, chính quyền người Kurd kiểm soát hiệu quả vùng Đông Bắc Syria hôm thứ Hai đã nói rằng việc bị loại trừ khỏi ủy ban là "bất công" và rằng điều đó làm suy yếu các nguyên tắc dân chủ. Hiện chưa rõ những gì ủy ban có thể đạt được, nhưng Damascus hy vọng sẽ sửa đổi hiến pháp hiện tại, trong khi phe đối lập muốn viết một bản hiến pháp mới từ đầu.
Các nước phương Tây hy vọng bản hiến pháp này sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng và cũng sẽ cho phép hàng triệu người Syria, trong đó nhiều người thù địch với Assad, trở về nước. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Assad khó có thể đồng ý với bất cứ điều gì đe dọa vị trí của ông. Tuy nhiên, Julien Barnes-Dacey, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết có "những câu hỏi lớn" xung quanh ủy ban. "Chính phủ Syria chắc chắn sẽ tiếp tục cản trở quá trình này. Chúng tôi không mong đợi một sự giải quyết chính trị công bằng hoặc cải cách đáng kể từ việc này," ông nói.
Đã có nhiều vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc tổ chức nhưng vẫn không thể kết thúc cuộc nội chiến giết chết hơn 370.000 người và phải khiến hàng triệu người di cư kể từ khi nổ ra vào năm 2011 bởi sự đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ. Trong những năm gần đây, một cuộc đàm phán song song do Nga dẫn đầu và người ủng hộ phiến quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được thực hiện. Với sự hậu thuẫn của quân đội từ Nga, các lực lượng của Assad đã chiếm lại phần lớn Syria từ phiến quân và thánh chiến từ năm 2015, và hiện kiểm soát khoảng 60% đất nước.