Là người thể hiện thành công nhất nhạc phẩm Màu hoa đỏ của cố nhạc sỹ Thuận Yến, cũng là cha của mình, Thanh Lam viết tâm thư khi ca khúc này vừa bị tạm dừng lưu hành.
Thông tin nhạc phẩm "Màu hoa đỏ" của cố nhạc sỹ Thuận Yến bị Sở VHTT & DL Tiền Giang yêu cầu tạm dừng lưu hành đang gây xôn xao dư luận. Chỉ sau vài giờ thông tin này được công bố rộng rãi, nhiều nghệ sỹ đã lên tiếng bày tỏ sự ngạc nhiên về quyết định này. Bản thân "cha đẻ" của nhạc phẩm này là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng đã lên tiếng về sự việc.
Trước sự việc bài hát 'Màu hoa đỏ' của cố nhạc sĩ Thuận Yến bất ngờ bị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang ra công văn cấm xuất hiện tại các điểm kinh doanh karaoke trên địa bàn, ca sĩ Thanh Lam ban đầu từ chối trả lời trên báo chí. Tuy nhiên, mới đây, nữ ca sỹ cũng không thể kìm lòng mà viết tâm thư gửi đến người quá cố. Thanh Lam bảo, có lẽ nếu nhạc sĩ Thuận Yến còn sống, ông sẽ điềm nhiên phẩy tay bỏ qua chuyện này. Và cô chọn cách chỉ đứng ngoài lặng lẽ quan sát thái độ của mọi người mà không bình luận, không phán xét. Tuy nhiên, lòng cô thấy buồn trước sự việc vừa xảy ra, và những điều khiến cô đau đáu hoài nghi 'phải chăng mọi giá trị đều mong manh?'.
Kèm theo bức tâm thư là hình ảnh của Thanh Lam và cố nhạc sỹ Thuận Yến
"Ba ơi;
Con không nghĩ đến một ngày mọi người lại phải mất thời gian tranh cãi về việc ba có được giải thưởng của Bác Hồ hay không; ba đã yên nghỉ rồi tên tuổi ba lại bị nâng lên, đặt xuống; con đau lòng lắm nhưng cũng chỉ dám lặng lẽ chờ mong phản ứng của những người biết nghĩ.....
Mẹ; con và em cũng không muốn vì chuyện gia đình mình mà làm nặng lòng xã hội; cộng đồng nên tin vào lẽ phải trước sau gì cũng được công nhận và tôn vinh!
Con thì bao dự án âm nhạc và cuộc sống bộn bề nhưng vẫn tranh thủ đi thu một album tặng ba và các bậc tiền bối; đang háo hức hoàn thiện lắm thì gặp lại "Màu hoa đỏ" của ba... Nhưng lần này thì không phải là câu chuyện về chiến sỹ hiến mình cho tổ quốc; chẳng phải tri ân sự ngã xuống lung linh của các anh hùng liệt sỹ; cũng chẳng phải là những buổi hoà nhạc tưởng niệm với giai điệu rung rinh trái tim triệu con người; giống như những lần khi cất lên khúc ca này mọi sân khấu con đều rưng rưng tự hào...
Lần này là lại liên quan đến dừng; cấm; liên quan đến sai sót; đến lỗi vận hành hệ thống; liên quan đến văn hoá ba ạ. Con biết là như lúc còn sống; ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói là " sai mà nhiều; đúng được bao nhiêu" để bỏ qua cho mọi sự vô minh .... Con cũng đồng ý với ba!
Chỉ muốn tâm sự với ba là mỗi bài ca cách mạng ở hoàn cảnh này như một nén nhang; thắp lên rồi sao lại dựt xuống? Những giá trị đã trở thành di sản sao nỡ tàn bạo đập đi?
Nhân danh điều gì để mang vàng thau cho lẫn lộn?
Cả cộng đồng lên tiếng ba ạ; mỗi người một góc nhìn; một người một cách phẫn nộ; một cách chỉ trích; một cách hoang mang...
Con biết thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất Cả; mọi lỗi lầm rồi sẽ qua đi; chuyện hôm nay sẽ là truyện kể của ngày mai; nhưng là phụ nữ con thấy đau ba ạ. Đau trước sự tàn khốc của dòng đời làm đục dòng máu đỏ; đau trước sự vô tình làm tổn hại những mầm xanh; đau trước làn khói bụi làm cản những trong lành.
Phải chăng mọi giá trị đều thật mong manh?"- Thanh Lam viết.
Nhiều người đồng cảm với những chia sẻ của Thanh Lam. Một cư dân mạng viết: "Chị làm em khóc khi đọc status này. Là một người làm nghề, là thế hệ hậu sinh không làm việc dưới quyền của Ba chị nhưng cùng ở VOV. Em luôn kính phục, trân trọng Bác. Người nhạc sĩ mà biết bao thế hệ yêu kính. Mỗi tác phẩm của ông là những câu chuyện bằng âm thanh gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất nước. Mỗi lần nghe Bác Hồ một tình yêu bao la, Màu hoa đỏ, Vầng trăng Ba Đình trái tim lại trào dâng xúc cảm...".
Một độc giả khác cùng bình luận: " Nhạc sĩ của nhiều bài hát in đậm vào lòng người nghe, mà cá nhân tôi và chắc chắn cũng rất nhiều người khác cho là bất hủ, như bác Thuận Yến chắc chắn chỉ cười hiền trước những chuyện kiểu này, chứ không bao giờ vì thế mà tới mức để nó làm mình nghi ngờ những giá trị của riêng mình. Chị nên vui vì có những chuyện kiểu này nên lại càng làm chúng ta thấy đẳng cấp của bác".
Trước đó, nghệ sĩ Thanh Hương - vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến cũng cho biết rằng bà bị bất ngờ trước văn bản cấm này của Sở VHTT &TT DL tỉnh Tiền Giang. Bà không thể hiểu được lý do tại sao Sở lại có thể cấm lưu hành ca khúc cách mạng đã đi vào lòng bao thế hệ người dân như thế. Đồng thời nghệ sĩ Thanh Hương cũng bày tỏ mong muốn Bộ Văn hóa sớm xem xét và làm sáng tỏ sự việc này.
Sau khi nhận được về sự việc này, trả lời trên báo chí, Thứ trưởng Vương Duy Biên - Bộ VHTT&DL khẳng định, việc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” là không đúng. Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, nếu lỗi do băng đĩa đó đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc thì xử lý kỹ thuật và băng đĩa đó chứ không phải là xử lý ca khúc. Sai ở đâu thì xử lý ở đấy. Không thể vì hình ảnh sai mà cấm ca khúc.
“Việc cấm ca khúc "Màu hoa đỏ" là cách làm tùy tiện, không đúng của địa phương”, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định. Ông cũng khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn xem xét báo cáo về Bộ hướng xử lý vụ việc.
Theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP về phổ biến tác phẩm âm nhạc thì các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại khoản 3 và các quy định của pháp luật về xuất bản. Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư phải gửi hồ sơ về Cục Nghệ thuật Biểu diễn xem xét và xin cấp phép. Vì thế, theo ông Nguyễn Đăng Chương, việc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang ra công văn gây xôn xao dư luận kể trên, về mặt quy trình quản lý phân cấp là không sai, song lại khiến dư luận “dậy sóng” bởi sự thiếu căn cứ và vô lý. Đó là lý do mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ phải chỉ đạo để làm rõ sự việc này. |