Liên quan tới việc hàng trăm tàu, thuyền “nằm chết” tại cảng, ngày 21/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã trực tiếp kiểm tra hoạt động tại Cảng cá Lạch Bạng, chỉ đạo xử lý nạo vét khẩn cấp cứu ngư dân.
Cảng cá Lạch Bạng gồm cảng cá Hải Bình, cảng cá Hải Thanh và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng, được giao cho Ban Quản lý cảng cá Lạch Bạng quản lý. Thời gian qua, Ban quản lý cảng cá đã xây dựng nội quy quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, phương án phòng chống lụt bão; điều động, sắp xếp tàu thuyền ra, vào neo đậu làm hàng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao công tác quản lý cảng cá. Kết quả, trong năm 2017, có 1.564 lượt tàu, thuyền ra, vào cảng; 10.118 lượt phương tiện vận tải qua cảng; bốc dỡ được 62.560 tấn hàng thủy, hải sản và 94.804 tấn hàng hóa khác.
Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền kiểm tra tại cảng Lạch Bạng
Cảng cá Lạch Bạng bị ảnh hưởng nhiều bởi sự bồi lắng và đá ngầm tại khu vực luồng lạch ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất dự án nạo vét và thanh thải đá ngầm tại luồng ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng theo hình thức đối tác công tư (BT).
Sau khi đi thị sát tình hình thực tế và nghe báo cáo, ý kiến các ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh, hiệu quả hoạt động của Cảng cá Lạch Bạng trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân và doanh nghiệp trong phát triển thủy sản; công tác quản lý trong khu vực cảng, âu còn nhiều bất cập, hạn chế; gây khó khăn, cản trở cho hoạt động và mục tiêu khuyến khích phát triển thủy sản của tỉnh. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị chủ quản của Ban Quản lý Cảng cá Lạch Bạng và các đơn vị có liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhanh chóng đưa ra giải pháp thực hiện khắc phục tình trạng trên, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
Nhiều tàu, thuyền không thể vươn khơi vì đường vào cảng bị bồi lấp nghiêm trọng
Ngoài ra, để bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân, doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng, đồng chí yêu cầu UBND huyện Tĩnh Gia tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông vận tải của luồng lạch; rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy; huyện Tĩnh Gia cần giải phóng hoàn toàn luồng lạch, hành lang bến cảng.
Đối với yêu cầu nạo vét và thanh thải đá ngầm tại luồng ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, Phó Chủ tịch Quyền khẳng định sự cần thiết của việc nạo vét và thanh thải đá ngầm là hoạt động mang tính sống còn đối với cả cá Lạch Bạng. Vì vậy, ông Quyền đồng thuận với chủ trương lập dự án thanh thải đá ngầm theo hình thức BT. Riêng việc nạo vét luồng lạch ra, vào cảng là thuộc phạm vi đầu tư công. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý khẩn cấp; kịp thời cho ngư dân thuận tiện ra vào tàu thuyền trước mùa mưa bão tới.
Chiếc tàu là tài sản lớn đối với ngư dân nhưng bị nằm chết, phơi mưa, phơi nắng
Trước đó, Báo Công lý có bài: “Hàng trăm tàu, thuyền nằm chết bên bờ biển bạc” phản ánh hiện thực hàng trăm con tàu của ngư dân huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang phải nằm chết không thể ra vào cảng Lạch Bạng vì bị bồi lấp. Kéo theo đó là hàng nghìn lao động không có việc làm, tổn thất rất lớn về kinh tế.
Cũng theo tìm hiểu của PV, giữa năm 2015, cơ quan chức năng đã phê duyệt, cấp phép cho Công ty Vĩnh Phúc được thực hiện dự án nạo vét, tận thu cát tại khu vực cửa Lạch Bạng nhằm khơi thông dòng chảy, tạo độ sâu cho phương tiện ra vào được an toàn. Tuy nhiên, việc nạo vét được tiến hành rất chậm chạp và vướng mắc nhiều vấn đề nên hết hạn chẳng nạo vét được bao nhiêu. Tình trạng tàu thuyền mắc cạn theo đó vẫn không mấy được cải thiện.
Trước tình trạng này, hàng trăm ngư dân Hải Bình đã cùng ký đơn gửi lãnh đạo tỉnh, kêu cứu về thực trạng trên, đồng thời tha thiết đề nghị tỉnh và các cấp, ngành chức năng xem xét, giúp đỡ, sớm có phương án, giải pháp hữu hiệu cải tạo để khơi thông luồng lạch cảng, tạo điều kiện cho bà con yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, khai thác hải sản.