Văn hóa - Du lịch

Thanh Hóa trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn

Thành Phan 10/10/2023 - 11:34

Thanh Hóa là vùng đất đang lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, cùng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo, với ẩm thực hấp dẫn.

Là vùng đất có cả núi, trung du, đồng bằng và biển, đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác các tiềm năng tự nhiên này. Với 102 km bờ biển kéo từ Nga Sơn đến Nghi Sơn, chứa đựng một kho tài nguyên khổng lồ, mở ra một không gian sống - không gian phát triển đầy sôi động cho vùng đất xứ Thanh, biển Sầm Sơn, được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng. Trải qua bao thế kỷ, người dân nơi đây đã dựng xây nên những làng chài sầm uất, mang đậm dấu ấn văn hóa biển khơi với những lễ hội truyền thống đặc sắc được lưu truyền đến ngày nay.

anh-1-du-lich-thanh-hoa-ngay-cang-phat-trien-.jpg
Bãi biển Sầm Sơn là điểm đến lý tưởng của du khách.

Cùng với đó là vẻ hoang sơ của biển Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông... và những dãy núi đâm ngang ra biển tạo nên các vũng xen kẽ là các cửa Lạch, hệ thống các đảo lớn, nhỏ như đảo Mê, đảo Nẹ, đảo Nghi Sơn…, Thanh Hóa đang thu hút được hàng chục dự án du lịch và kinh tế “thắp sáng” cả một dải bờ biển.

Từ “rừng vàng”, “biển bạc” đến sự tạo hóa kỳ công của đại ngàn Pù Luông, nơi những thửa ruộng bậc thang uốn mình quanh sườn núi và những nếp nhà sàn bình yên, thấp thoáng dưới trảng rừng, nơi đây có vẻ đẹp tựa như Sa Pa của Tây Bắc hay xứ Đà Lạt của đất rừng Tây Nguyên... Hay Bến En - “Hạ Long trên cạn” với hơn hai chục hòn đảo lớn nhỏ, được sắp đặt như một bàn cờ, cùng không gian xanh bất tận được đan kết bởi cảnh quan hồ, đảo trên hồ và hệ thống rừng, hang động trên các dãy núi đá vôi. Rồi vùng “sơn thủy hữu tình” như Xuân Liên - nơi được ví như “Amazon của Việt Nam” bởi lưu trữ một hệ động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng…

anh-3-du-lich-thanh-hoa-ngay-cang-phat-trien-.jpg
Thác Ma Hao với vẻ đẹp hoang sơ.

Đến với bản làng vùng cao xứ Thanh, bạn sẽ gặp những bàn tay tài hoa thêu dệt nên sản phẩm thổ cẩm muôn màu sắc, được thưởng thức các sản vật của núi rừng như cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương, rượu cần..., tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của thiên nhiên và những trò chơi, trò diễn đặc sắc, lắng nghe cả một kho sử thi hào hùng như: các điệu múa sạp, múa xòe, điệu suối, điệu khặp của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; hát tơm của dân tộc Khơ Mú...

Ngoài ra, nơi đây còn có những nếp nhà sàn truyền thống, trang phục, trang sức của đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông còn lưu giữ khá nguyên vẹn. Nhiều tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội vẫn giữ được nét độc đáo, như lễ hội Pồn Pôông, Khai Hạ, lễ tục Làm vía kéo Xi, lễ Mừng cơm mới, Sắc bùa của dân tộc Mường; Lễ hội Kin chiêng boọc mạy, Nàng Han, Mường Khô, Mường Ca Da…

Với thông điệp Thanh Hóa là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, kể từ sau đại dịch COVID-19, tỉnh Thanh Hóa luôn nằm trong danh sách dẫn đầu về lượng khách du lịch của cả nước. Sự tăng trưởng về thứ hạng của ngành du lịch Thanh Hóa đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế - xã hội.

anh-2-du-lich-thanh-hoa-ngay-cang-phat-trien111-.jpg
Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh gắn với hình ảnh Đại sứ Du lịch Thanh Hóa như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Tham gia gian hàng giới thiệu du lịch Thanh Hóa tại Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam, phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bên lề Hội chợ VITM - Hà Nội; Tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch kết nối các huyện: Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, tổ chức đón đoàn Famtrip khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đến khảo sát, đánh giá sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch tại Thanh Hóa (tháng 8/2023), tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ (tháng 8/2023 tại TP. Hồ Chí Minh).

anh-4-du-lich-thanh-hoa-ngay-cang-phat-trien-.jpg
Thành Nhà Hồ được công nhận Di sản văn hoá thế giới năm 2011.

Để thu hút và đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch, nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang được tích cực triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh chiến dịch truyền thông với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương, trên website, nền tảng số và tại các cảng hàng không trọng điểm trên cả nước.

anh-5-du-lich-thanh-hoa-ngay-cang-phat-trien-.jpg
Thanh Hóa tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023.

Kỳ nghỉ lễ (30/4 và 1/5/2022) Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương đón nhiều khách du lịch nhất cả nước, tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 5 về lượt khách và đứng thứ 4 về tổng thu du lịch so với cả nước, và tổng thu du lịch đạt 20.060 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước về lượt khách (8.420.000 lượt khách) và đạt 15.247 tỷ đồng tổng thu du lịch…

Với khát vọng vươn mình, để khẳng định vị trí xứ Thanh trong lòng du khách trong nước và quốc tế, Thanh Hóa không ngừng bảo tồn, gìn giữ, học hỏi, phát huy và liên tục đổi mới, nâng tầm chất lượng của ngành du lịch là điểm đến lý tưởng, an toàn, thân thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn