Ngày 29/8, thông tin từ Sở Giáo dục& Đào tạo Thanh Hóa cho biết, bên cạnh việc phải đầu tư cơ sở vật chất cho nhiều trường, lớp học, hiện trên địa bàn đang thiếu gần 9.000 giáo viên các cấp học. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng dạy và học, nhất là thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, Thanh Hóa đã tranh thủ các nguồn lức để tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, nhất là 11 huyện miền núi. Tuy nhiên, nhiều trường, lớp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Đặc biệt xu hướng giáo viên xin ra khỏi ngành hoặc các em ít lựa chọn trường sư phạm khiến cho đội ngũ thầy cô giáo bị thiếu hụt.
Hiện nay, chế độ đãi ngộ cho các thầy, cô giáo chưa theo kịp với diễn biến của thực tế. Số lương ít ỏi chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thường nhật. Vì vậy, nhiều thầy, cô giáo ngoài việc lên lớp, miệt mài soạn giáo án còn tất bật làm thêm đủ các nghề để mưu sinh. Không ít người đã lựa chọn cho mình hướng đi riêng đỡ áp lực, vất vả và thu nhập cao hơn hẳn nghề gõ đầu trẻ.
Theo thống kê, Thanh Hoá còn thiếu gần 9.000 giáo viên các cấp nên đang đề nghị Bộ Nội vụ và các ngành liên quan cân đối, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục. Dự kiến, quy mỗ dân số có xu hướng tăng nhanh, đến năm 2025 tỉnh Thanh Hoá sẽ thiếu khoảng 16.000 giáo viên ở các cấp học, bậc học. Nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày một trầm trọng, chất lượng khó được đảm bảo.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 khó lường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với tình hình. Trong đó giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phải hết sức linh hoạt triển khai, thực hiện theo các cấp độ:
Cấp độ 1 (trên địa bàn chưa thực hiện giãn cách xã hội, học sinh đến trường bình thường): Tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giáo dục: tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ Bảy (có thể kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT). Tạm thời chưa tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường học.
Cấp độ 2 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ): Tổ chức dạy học 2 ca/ngày sáng và chiều, mỗi ca bố trí chỉ 50% HS đến trường. Tập trung dạy học những nội dung cốt lõi, các nội dung khác tổ chức dạy bù khi có điều kiện; kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT.
Cấp độ 3 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh dừng đến trường): Hoạt động giáo dục chỉ tổ chức bằng hình thức online hoặc qua truyền hình, kết hợp giao bài tập qua hình thức OTT. Riêng Giáo dục tiểu học chỉ đặt mục tiêu duy trì trạng thái học tập cho học sinh.
Đối với Giáo dục mầm non, khi dịch bệnh xảy ra trẻ không được đến trường. Không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ, mà thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà.
Các cơ sở giáo dục mầm non tích cực làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng và đăng tải các video clip, kho tài liệu, học liệu trực tuyến hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo hình thức OTT (qua website, facebook, fanpage, zalo, youtube,…).
Để triển khai dạy học online, các đơn vị, trường học dùng một trong các hệ thống cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến đáp ứng yêu cầu về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.