Với suy nghĩ, sáp nhập trường các con sẽ phải đi học xa, đóng góp nhiều… hàng trăm vị phụ huynh ở xã Quảng Phúc (Quảng Xương, Thanh Hóa) tập trung đến UBND xã để phản đối việc sáp nhập trường.
Trước sự việc trên, ông Mai Đình Thủy – Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc đã lên tiếng xác nhận. Ông Thủy cho biết: “Mỗi năm, toàn xã chỉ có 30-35 cháu được sinh ra, đời sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào cây cói và cây lúa nên khá vất vả. Vì vậy, tôi thấy sáp nhập trường là việc nên làm bởi nó sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục, hạn chế bớt gánh nặng đóng góp cho bà con nhân dân…”.
Hình ảnh hàng trăm người tập trung phản đối việc sáp nhập trường. Ảnh Hoài Thu.
Ông Thủy cho biết thêm, năm học 2017-2018, Trường THCS Quảng Phúc có 145 cháu/6 lớp (năm học 2016-2017 chỉ có 5 lớp) với tổng số 12 cán bộ giáo viên. Trường đã đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2014. Vì vậy, huyện Quảng Xương đã lập kế hoạch sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng thành Trường THCS Phúc – Vọng.
Để tạo điều kiện cho học sinh có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện học hành, trước khi thực hiện việc sáp nhập trường, huyện đã đầu tư xây dựng khu lớp học 2 tầng gồm 10 phòng học (sẽ hoàn thiện trong tháng 10).
Tuy nhiên, phụ huynh lại có suy nghĩ không muốn con em mình đi xa, vất vả, sợ phải đóng góp nhiều, đặc biệt lo sợ về vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Trước đó, UBND huyện Quảng Xương và UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, thậm chí còn cử cán bộ xuống từng hộ dân để giải thích, tuyên truyền cho bà con. Đồng thời, để tạo sự an tâm cho phụ huynh và học sinh khi gộp trường, huyện đã cam kết bêtông hóa con đường giao thông nội đồng (hiện đang là đường đất), trị giá 1,8 tỷ đồng nối thôn Văn Bình, Thanh Minh đi Quảng Vọng, nhằm giúp các học sinh đi lại thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, kế hoạch trên vẫn chưa được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Nhiều phụ huynh bỏ việc nhà, đồng áng để tập trung lên trụ sở UBND phản đối. Ảnh Hoài Thu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Nam – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Xương, cho biết: “Thực ra, trong việc sáp nhập trường lần này, ngoài Trường THCS Phúc – Vọng, còn một số trường khác đóng trên địa bàn huyện cũng đã thực hiện xong và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Về việc thực hiện sáp nhập Trường THCS Phúc – Vọng, huyện đã có kế hoạch từ năm 2016 và bắt đầu triển khai từ 2017.
Ông Nam cũng nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi cũng đã giải thích rất nhiều lần cho phụ huynh là học sinh của Quảng Phúc về trường THCS Quảng Vọng, sẽ không phải đóng góp bất kỳ một khoản xã hội hóa nào trong năm học. Đặc biệt, huyện cũng trích kinh phí để mua tặng 19 chiếc xe đạp mới cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em thuộc diện hộ nghèo, hoặc cận nghèo để các em có phương tiện đến trường”.
Cũng liên quan đến sự việc gộp trường, ông Nguyễn Văn Chính – Bí thư huyện ủy Quảng Xương thổ lộ: “Chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề. Đồng thời, huyện vẫn sẽ phân công cán bộ đến từng hộ gia đình để giải thích, động viên, tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện theo chính sách của Nhà nước”.