Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, rà soát các đối tượng đang được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước và đã phát hiện hàng trăm trường hợp hưởng sai quy định.
Ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015. Kết quả rà soát tại Thanh Hóa xác định: đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã rà soát là 31.981 trường hợp, qua đó phát hiện có 46 trường hợp hưởng sai qui định; Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tổng rà soát là 8.002 trường hợp thì phát hiện 19 trường hợp hưởng sai qui định; Thanh niên xung phong được rà soát 28.178 trường hợp thì phát hiện tới 117 trường hợp hưởng sai qui định; Liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ rà được soát tổng là 55.651 trường hợp thì phát hiện 20 trường hợp hưởng sai qui định. Các trường hợp sau rà soát phát hiện sai qui định, không đúng đối tượng mà đang hưởng chế độ thì sẽ dừng việc trợ cấp, tiến hành thu hồi tiền đã cấp.
Dù không thuộc diện được hưởng chế độ dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học song một số đối tượng tại huyện Tĩnh Gia vẫn lập hồ sơ khống để thụ hưởng số tiền 419.642.000 đồng từ ngân sách Nhà nước. Cụ thể, các đối tượng khai khống hồ sơ để hưởng chính sách gồm: Lê Văn Giám (SN 1940), trú tại xã Nguyên Bình, cùng 3 đối tượng trú tại xã Mai Lâm là Trịnh Văn Nguyên (SN 1955), Lê Quang Trợi (SN 1955) và Lê Hữu Anh (SN 1988, con trai Trợi).
Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt Lê Đình Chiến (nguyên cán bộ chính sách xã Quảng Minh)
Các đối tượng này không có thời gian tham gia chiến trường trước ngày 30/4/1975, không thuộc diện được hưởng chế độ chính sách dành cho đối tượng hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tổng số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai so với quy định của Nhà nước là 419.642.000 đồng. Sở LĐTB&XH Thanh Hóa ra các quyết định đình chỉ chế độ và thu hồi số tiền trợ cấp đã cấp cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hưởng sai qui định.
Tại huyện Hoằng Hóa, qua rà soát cũng phát hiện tới 12 trường hợp hưởng sai chế độ. Đặc biệt, có cả trường hợp mượn Huân chương của người khác để làm giả hồ sơ hưởng chế độ. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Thanh Bình (trú tại xã Hoằng Xuyên, Hoằng Hóa), đã mượn Huân chương kháng chiến của người khác ghép vào hồ sơ để hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Mới đây nhất, Sở LĐTB&XH Thanh Hóa cũng đã ra 4 quyết định đình chỉ chế độ và thu hồi trợ cấp đối với 4 trường hợp tại huyện Hoằng Hóa, với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hùng Thao - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Hoằng Hóa cho biết: Qua rà soát tại huyện phát hiện 12 trường hợp hưởng sai chế độ. Trong đó, đối tượng hưởng là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 1 trường hợp; Thanh niên xung phong hưởng trợ cấp hàng tháng phát hiện 6 trường hợp hưởng sai (đã dừng và thu hồi trợ cấp); thân nhân người có công hưởng sai chế độ là 5 trường hợp (đã dừng và thu hồi trợ cấp). Trong các trường hợp trên thì cá biệt có 1 trường hợp đã mượn Huân chương kháng chiến của người khác để làm giả chế độ.
Trước đó, liên quan tới chế độ chính sách, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Tấn (SN 1956, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và Lê Đình Chiến (SN 1957, nguyên cán bộ chính sách xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương) về các tội “Tham ô tài sản” và “Giả mạo trong công tác”.
Theo điều tra của cơ quan Công an, giai đoạn từ năm 2010 đến 2013, Nguyễn Đình Tấn, khi còn đương chức Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chính sách xã, Chủ tịch hội đồng xét duyệt hồ sơ các đối tượng bảo trợ xã hội xã Quảng Minh, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo cán bộ lập hồ sơ giả, duyệt cho vợ, em dâu, một số thân nhân của cán bộ xã và một số trường hợp khác không bị bệnh tâm thần nhưng được hưởng chế độ tâm thần.
Đối với Lê Đình Chiến, khi còn là cán bộ chính sách xã đã chiếm đoạt tiền nghỉ dưỡng của một số đối tượng chính sách; sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận bệnh tâm thần, làm giả các biên bản họp dân, biên bản phúc tra, biên bản họp hội đồng xét duyệt của xã, phiếu điều tra của các đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng.
Hiện nay dư luận rất băn khoăn về việc thẩm định hồ sơ, chứng từ ở các cấp dẫn đến việc sai phạm trên. Đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình duyệt hồ sơ dẫn đến sai sót, thất thoát tiền của Nhà nước.