Đời sống

Thanh Hoá: Nơm nớp nỗi lo mặt đê nứt toác trong mùa mưa bão

Thanh Phương 12/08/2024 - 13:05

Với hơn 1.000km đê lớn nhỏ, Thanh Hóa được xếp vào những địa phương có chiều dài đê lớn nhất cả nước. Do nguồn kinh phí có hạn nên nhiều tuyến đê xung yếu chưa được đầu tư, nâng cấp, mặt đê nứt toác khiến cho người dân địa phương nơm nớp lo sợ, nhất là trong mùa mưa bão.

Theo ghi nhận của PV vào tháng 8/2024, trên đoạn đê qua thôn Chấn Long của xã Thiệu Hợp và thôn Thống Nhất của xã Thiệu Thịnh và xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) có nhiều vết nứt trên bề mặt đê kéo dài, có nơi lún sâu, bê tông vỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

chaydai.jpg
Vết nứt chạy dài trên thân đê

Ông Lê Đình Hưng (xã Thiệu Thịnh), cho biết: Tuyến đê qua xã Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, Thiệu Quang xuống cấp đã nhiều năm và ngày càng nghiêm trọng. Từ trước tới nay, các xã này là vùng trũng của huyện Thiệu Hóa, không có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện mà sử dụng đường đê làm đường giao thông. Do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên mặt đê ngày càng gia tăng nhưng mặt đê đã lâu chưa được tu sửa, nâng cấp.

dehong.jpg
Những vết nứt mới ngày một nghiêm trọng

Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cấp sớm xem xét về tình trạng xuống cấp của đê để tu sửa, nâng cấp. Tuy nhiên, tới nay chỉ 1 phần đoạn đê trước mặt sân vận động xã Thiệu Thịnh được đầu tư, còn lại chưa được khắc phục, gia cố.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều tuyến đê ở các huyện Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn bị xuống cấp, sạt lở, mặt đê chưa được gia cố, lầy lội, không đảm bảo trong công tác phòng, chống thiên tai, cần có vốn để được nâng cấp, sửa chữa.

lechnhau.jpg
Mặt đê bị xé đôi

Tại huyện Hậu Lộc, tuyến đê tả Cẩm Lũ đoạn từ K2+300 đến K2+760 có nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng cho 700 hộ dân và diện tích 150 ha đất thuộc các thôn Lam Hạ, Yên Thường, Bộ Đầu, xã Thuần Lộc. Mặc dù tuyến đê này đã được cứng hóa mặt đê, nhưng do dòng chảy sát bờ, xói vào chân đã làm mái đê phía sông bị sạt lở, nhiều vị trí xói vào mép đường bê tông, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều.

Tại tuyến đê hữu sông Thị Long đoạn qua xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn có chiều dài 5,4km, bảo vệ cho khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư trong vùng. Tuyến đê có mặt cắt nhỏ, bề rộng từ 2,8 - 4m, chưa đảm bảo theo quy hoạch, đặc biệt đoạn từ km2+258 - km 3+758 một số vị trí bị sạt lở.

betongvo.jpg
Bê tông nứt, gãy

Mặt để chưa được gia cố, lầy lội trong mùa mưa lũ, không đảm bảo trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là khi có bão, lũ kết hợp chiều cường dâng cao và hồ Yên Mỹ xả lũ uy hiếp đến an toàn của công trình đê điều. Do đó, tuyến đê hữu sông Thị Long đoạn qua xã Các Sơn cần được bố trí vốn đầu tư nâng cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong vùng.

Tại Thọ Xuân, đoạn đê bờ hữu sông Chu, hạ lưu đập Bái Thượng thuộc các xã Xuân Bái và Thọ Xương là khu vực có đông dân cư tập trung sinh sống, vào mùa mưa, nhất là khi có xả lũ, dòng chảy hướng thẳng vào bờ, gây hiện tượng sạt lở, nhiều vị trí sạt đứng thành và tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, các công trình hạ tầng trong khu vực. Người dân và chính quyền nơi đây kiến nghị và mong muốn Nhà nước sớm đầu tư vốn để đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ sông Chu, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

tieman.jpg
Tiền ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Theo khảo sát tại huyện Nông Cống, tuyến đê tả sông Yên đoạn từ Km 0 - K1+210 thuộc địa phận thị trấn Nông Cống có nhiệm vụ bảo vệ cho diện tích 1.119 ha và 6.229 người, đồng thời kết hợp tuyến đường giao thông kết nối với huyện miền núi Như Thanh…

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho hay: Tỉnh Thanh Hóa luôn coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu; trong đó việc đầu tư, cân đối vốn cho các công trình đê điều, các trọng điểm xung yếu được ưu tiên, bố trí vốn kịp thời, đầy đủ.

Chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2024.

Hiện Thanh Hóa đang triển khai, thi công 65 công trình đê điều, hồ đập; trong đó, có 26 công trình được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và 39 công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh.

Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa vào đầu mùa mưa bão cho thấy, Thanh Hóa vẫn còn 34 vị trí đê và kè, cống trên đê được xác định là trọng điểm xung yếu không bảo đảm an toàn, trong số đó có 14 trọng điểm trên đê từ cấp 3 đến cấp 1 và 20 trọng điểm trên đê cấp 4 và 5. Phần mặt đê bị hư hỏng phải phân kỳ đầu tư, nâng cấp do nguồn kinh phí lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hoá: Nơm nớp nỗi lo mặt đê nứt toác trong mùa mưa bão