Mưa rất lớn nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn mực nước sông dâng cao tràn qua đê và phá hủy các tuyến đê xung yếu khiến cho tình hình ngập lụt diễn ra nghiêm trọng tại Thanh Hóa. Hàng nghìn người dân phải di tản, bản, làng ngập trong biển nước.
Theo báo cáo, tới đầu giờ chiều 12/10, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân vẫn lên. Vào chiều và đêm qua (11/10) toàn bộ hơn 2 km đê bao xã Thạch Định đã bị tràn. Nước lũ lên cao đã làm 62 hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn vượt ngưỡng tràn từ 0,5 đến 1,5 mét. Gây ngập hơn 1 km Quốc lộ 45 đoạn cầu Cổ Tế và hàng chục km tuyến QL 217B, từ Bỉm Sơn lên đường HCM và tỉnh lộ 516, tỉnh lộ 523 gây chia cắt Trung tâm huyện Thạch Thành với nhiều xã trên địa bàn.
Mực nước trên sông Bưởi (Thạch Thành) vẫn dâng cao
Nhiều xã ở Thạch Thành bị chia cắt, ngập nặng
Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Thạch Thành đã huy động lực lượng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Cơ quan quân sự đã điều động hàng trăm dân quân các xã lân cận tập kết bao tải, cát, đất đá và các loại vật tư khác tại những điểm đê xung yếu. Vào đêm qua 11/10, huyện Thạch Thành đã di dời hơn 10 nghìn hộ dân thuộc các xã Thạch Long, Thạch Đồng, Thành Kim, Thành Hưng và Thị thị trấn Kim Tân đến nơi an toàn trước 23h đêm, riêng gần 900 hộ dân thuộc xã Thạch Định buộc phải di rời trước 18h.
Đê hữu sông Thị Long "thất thủ" trước mưa lớn, nước lên nhanh
Tại huyện Tĩnh Gia, do ảnh hưởng của mưa lũ, từ khoảng 14h chiều 10/10, đê hữu sông Thị Long đã bị tràn 2 đoạn. UBND xã Anh Sơn đã huy động lực lượng dân quân và các phương tiện máy móc khắc phục sự cố. Tuy nhiên, sáng 11/10, mực nước sông Thị Long dâng cao và toàn bộ thôn An Cư đã bị cô lập. Thôn An Cư hiện có 118 hộ dân với 587 nhân khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn xã Anh Sơn còn bị sạt lở nhiều điểm.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vào lúc, 4h sáng ngày 12/10/2017, phát hiện lỗ rò lớn tại vị trí cống tiêu Trạm bơm Quang Hoa đoạn K14+350 đê hữu Cầu Chày xã Xuân Minh, lượng nước lớn tạo thành dòng chảy lũ gây áp lực lên thân đê có thể gây ra vỡ đê. Nếu đê vỡ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân 6 xã xung quanh.
Lực lượng vũ trang giúp người dân vùng lụt di tản
Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thọ Xuân đã huy động 400 người và phương tiện của các xã trong cụm, phối hợp với cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 9 (Quân khu 4) và Trung đoàn không quân 923 - Sư đoàn 371 (Quân chủng phòng không, không quân) tập trung khắc phục sự cố.
Đến 9 giờ cùng ngày, với sự nỗ lực của các lực lượng, cơ bản đã khống chế được dòng nước chảy xiết của đoạn đê bị thủng vào trong khu vực dân cư. Tại xã Xuân Yên, nước bắt ngập từ 3h sáng ngày 11/10, do lượng mưa lớn cùng với thủy điện Cửa Đạt xã lũ khiến mực nước sông Chu dâng cao, toàn bộ xã bị ngập lụt phải sơ tán dân lên trường học, trụ sở ủy ban, các nhà cao tầng.
Tập trung xử lý sự cố thủng đê sông Cầu Chày
Hiện mực nước trong nhà dân sâu khoảng 2,5m, phía ngoài trên 3m. Trong xã có cụ bà mất vì tuổi cao, phong tục của địa phương là chôn cất, tuy nhiên do nước ngập khắp nơi nên phải mang đi hỏa táng. Cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể thống kê thiệt hại.
Trước đó, mực nước các sông dâng cao, ngay trong đêm 10/10, huyện đã chỉ đạo tất cả các xã thuộc lưu vực các sông trên địa bàn triển khai phương án di dân lòng sông; tổ chức di dời tài sản, gia súc, gia cầm về nơi tránh trú an toàn. Số hộ dân vùng ngập lụt có khả năng phải di dời: 5.835 hộ; số hộ đã tổ chức di dời: khoảng 4.390 hộ. Địa điểm di dời đến chủ yếu: Trong nội bộ thôn, đến trường học, nội bộ xã, ở lại trên nhà tầng, lên đê và di dời đi xã khác.
Trước đó tuyến đê sông Hoàng (xã Tế Tân, Nông Cống) cũng đã bị vỡ khiến nước tràn vào gây ngập lớn tại địa phương này.
Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến triệu tập họp khẩn vào đêm 11/10 để phòng chống lũ
Tại các huyện miền núi, mưa to đến rất to đã gây ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng một số tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, khiến giao thông bị chia cắt. Theo tổng hợp nhanh của Sở GTVT, tình trạng sạt lở và ngập lụt diễn ra ở 7 tuyến quốc lộ và 16 tuyến đường tỉnh. Trong đó, sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng nhất là ở các tuyến quốc lộ 47, quốc lộ 217, quốc lộ 15C và một số tuyến đường tỉnh như: 521 B Cành Nàng - Lũng Cao: 530 Tân Phúc- Quan Sơn; 519 B Thị trấn Sao Vàng - Bình Sơn - Luận Thành - Bù Đồn...ước tính khối lượng đất đá sạt và bị xói trôi lên đến hàng ngàn m3.
Tình trạng sạt lở và ngập lụt khiến một số tuyến quốc lộ 217, quốc lộ 47; quốc lộ 15 C tại Km70+700 xã Thiết Kế, Bá Thước... đang bị tắc đường, giao thông chưa thể qua lại trên tuyến. Trước thực trạng trên, Sở GTVT tỉnh đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ nhanh chóng tiến hành các giải pháp khắc phục như: lập rào chắn và cho người cảnh giới tại vị trí sạt lở, đồng thời phát quang cây bị đổ và khơi thông dòng chảy. Đối với những vị trí sạt lở khối lượng không lớn, đơn vị quản lý tuyến đường nhanh chóng huy động máy móc, nhân lực, giải tỏa giao thông trong thời gian sớm nhất, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua lại.
Trước diễn biến phức tạp về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, 21h tối 11/10, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã có cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ. Thực tế đợt mưa lũ lần này đã gần bằng đợt lũ lịch sử năm 2007. Thêm vào đó, dự báo mưa sẽ tiếp tục khiến mực nước trên các sông, suối, hồ đập lên cao, do đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành, các cấp phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với lũ tương đương năm 2007. Tất cả các ngành, các cấp không được chủ quan mà phải chủ động mọi tình huống để không may xảy ra lũ lớn thì đã có phương án xử lý nhằm giảm tối đa thiệt hại.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và UBND tỉnh phải phân công cụ thể cho từng thành viên kiểm tra công tác di dân ở tất cả các huyện và tập trung cao huy động lực lượng di dân xong ở các vùng nguy hiểm. Nếu địa phương nào thực hiện công tác di dân không tốt, để xảy ra chết người, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tỉnh. Đối với các huyện miền núi, yêu cầu Bí thư, Chủ tịch, cấp uỷ, chính quyền tiếp tục rà lại tất cả các điểm cần di dân, tổ chức di dân ngay đến nơi an toàn.
Hiện nay, tất cả hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt ngưỡng thiết kế. Vì vậy, các đơn vị thuỷ nông được giao quản lý phải tổ chức vận hành theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Khi có tình huống phát sinh phải báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến xử lý. Cắt cử cán bộ canh chừng, xử lý các sự cố có thể xảy ra.
Đối với hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, phải trực canh, tuần tra 24/24 theo cấp báo động, phát hiện sự cố ngay từ giờ đầu, phút đầu, xử lý ngay sự cố và xử lý có hiệu quả. Đê sông lớn tại những điểm năm 2007 đã có sự cố phải đặc biệt chú ý, cắt cử người có kinh nghiệm trực canh 24/24 và chuẩn bị các phương án ứng phó bởi trong những ngày tới, có khả năng nước tiếp tục lên cao.