Những cơn mưa cứ trút xuống khiến một góc núi Chiềng rung chuyển, đất đá ầm ầm lao xuống sườn núi làm 2 bố con bị vùi lấp. Gia đình đang yên ấm, nay chỉ còn lại người vợ trẻ cô quạnh, đau đơn khôn nguôi.
Cơn đại hồng thủy đã đi qua Thanh Hóa gần 10 ngày nay, sức tán phá ghê gớm khiến người dân đang phải oằn mình thu dọn, gắng gượng trở lại cuộc sống. Tài sản mất đi có thể làm lại, còn người ra đi đột ngột không lời trăng trối thì nỗi đau còn mãi không thôi.
Chúng tôi tới bản Chiềng, xã Yên Nhân (Thường Xuân) nơi ánh chiều đang nhạt dần. Hầu hết những người dân nơi đây còn chưa hết bàng hoàng về trận lở đất đã cướp đi tài sản, nhà cửa và cả người thân của họ. Khung cảnh tan hoang và tiết trời nhợt nhạt khiến cho ai nấy đều thấy ngậm ngùi. Một số người dân đang lặng lẽ thu dọn những gì còn sót lại sau lũ để tiếp tục cuộc mưu sinh.
Yên Khương tan hoang sau cơn lũ và sạt lở đất
Nhiều ngôi nhà bị vùi lấp hoặc bị lũ cuốn trôi
Đêm 11/10, là một đêm không ngủ của dân làng khi những cơn mưa như trút nước, những tiếng ầm ầm vang lên bên sườn núi khi đất đá đổ ập xuống, lẫn trong tiếng la hét thất thanh. Chăng ai bảo ai, tất cả người lớn đều ôm trẻ con, dìu người già lao ra khỏi nhà tìm nơi trú ẩn.
5 ngôi nhà bị vùi lấp trong chớp mắt. Hai bố con anh Vi Văn Chiến (SN 1989) và cháu Vi Thị Linh Đ. đã không chạy kịp. Nỗi đau quá lớn, đến quá bất ngờ khiến người vợ trẻ ngã quỵ không thể gượng dậy, chị không thể ngờ trong tích tắc đã mãi không còn được gặp lại chồng con.
Chị Vi Thị Hiền đau đớn không nói nên lời trước sự ra đi đột ngột của chồng và con
Trước mặt chúng tôi, chị Vi Thị Hiền (SN 1995, vợ anh Chiến) đôi mắt vô hồn, hướng về bàn thờ nghi ngút khói hương như đang cố níu kéo, tìm kiếm chút hơi ấm còn sót lại. Không gian đặc quánh ngột ngạt đến tê tái lòng, mâm cơm cúng chiều lạnh ngắt thê lương. Tất cả giờ chỉ còn lại là nỗi đau, sự mất mát không thể bù đắp.
Phải rất lâu sau đó chị Hiền mới gắng gượng kể: “Cả đêm mưa rất to, lúc đó gần sáng, hai vợ chồng cùng đứa con gái 2 tuổi đang nằm bỗng nghe tiếng ầm ầm từ vách núi sau nhà. Cả hai vội vàng bế con chạy ra ngoài, Đúng lúc đó thì đất trên núi đã ập xuống, anh ấy đứng ở phía sau tuột tay khỏi tôi, chỉ một tích tắc, ngoảnh lại phía sau chỉ còn một đống đất đổ nát. Tôi ngất lịm lúc nào không hay, khi tỉnh dậy vẫn không tin cả chồng và con đều bỏ tôi đi cả rồi. Mới trước đó, anh ấy còn cùng các hộ dân đi chống lũ, tối về vợ chồng con cái còn quay quần bên mâm cơm. Vậy mà giờ đây tất cả chỉ còn là trong quá khứ”.
Nhận được tin báo nhà con trai bị sập, bà Vi Thị Khuyên (SN 1961, mẹ của Chiến) đang trong Đà Nẵng tức tốc bắt xe về quê. Đến đầu xã nghe tin con và cháu đã chết bà choáng váng, ngất đi. Trong 4 người con, Chiến là đứa hiền lành, chịu khó, thương vợ, thương con. Bà không ngờ xa quê bấy lâu, ngày trở về đoàn tụ lại là ngày đưa tiễn con, cháu về nơi chín suối. Nước mắt bà đã cạn, đứng bên bàn thờ, bà khóc đến khản giọng: “Sao ông trời không để cho bố con nó sống, bắt tôi đi thay chúng nó. Hãy trả lại chồng và con cho vợ nó khỏi lẻ loi, cô độc trên cõi đời này”.
Ngôi nhà của chị Hiền, anh Chiến chỉ còn là đống đổ nát
Anh Vi Văn Chia (SN 1985, anh trai Chiến), người cũng chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng kể lại: “Khi đó trời gần sáng, sau tiếng ầm ầm vang lên, tôi vội vàng chạy ngược lên nhà chú Chiến. Một góc núi Chiềng bị sạt lở, 5 ngôi nhà trước mắt bị nhấn chìm trong đất đá, mọi người đều may mắn thoát ra ngoài được, riêng nhà em tôi không nhìn thấy ai. Mọi người hô hoán chạy vào đào bới tìm kiếm người, phải mất rất lâu mới thấy thím Hiền nằm bất động, đến 3 giờ sáng thì tìm thấy em trai và cháu tôi, lúc đó hai bố con chú ấy đã chết rồi”.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Trường, Phó Chủ tịch xã Yên Nhân cho biết: “Gia đình chị Hiền thuộc đối tượng hộ nghèo cả nhà sống nhờ vào mấy sào ruộng, hai vợ chồng cưới nhau năm 2014, mới được cháu gái 2 tuổi. Tại khu vực làng Chiềng bị đất đá vùi lấp 5 ngôi nhà, trong đó có nhà chị Hiền. May mắn lúc đó mọi người chạy thoát, riêng gia đình chị Hiền bị mắc kẹt phía trong, khi mọi người đào bới tìm kiếm thì phát hiện cả 2 bố con đã tử vong”.
Trận lũ lịch sử quét qua nhiều bản làng xã biên giới Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh cuốn đi nhiều tài sản, hoa màu... để lại những cảnh hoang tàn, đổ nát. Theo người dân địa phương đã hàng chục năm nay, họ mới phải gánh chịu trận lũ lịch sử để lại hậu quả nặng nề như vừa qua. Lũ lên nhanh đã tàn phá nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, trường học, thủy lợi... Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn huyện Lang Chánh là hơn 28,9 tỷ đồng.
Hiện, chính quyền địa phương đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nhân dân các địa phương sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định lại đời sống và sản xuất.