Hàng trăm công nhân cho rằng phía công ty giày có những đối đãi không hợp lý nên đồng loạt đình công trong nhiều ngày.
Theo đó, vào ngày 8 và 9/1, hơn 600 công nhân của Công ty TNHH giày Phúc Thành (trụ sở tại thôn 3, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã không vào công ty làm việc mà tụ tập trước cửa công ty để đòi quyền lợi khiến mọi hoạt động của công ty bị tạm dừng.
Hơn 600 công nhân đình công khi cho rằng công ty có những đối đãi chưa đúng
Đại đa số các công nhân làm việc tại nhà máy giày Phúc Thành cho biết, lý do họ đình công là bởi phía công ty đã có những đãi ngộ không đúng với luật lao động và có những quản lý khắt khe về giờ giấc.
"Chúng tôi làm việc ở công ty giày này đã lâu, tuy nhiên, sau một thời gian làm việc thì nhận thấy rằng công ty đã có những chi trả, đối đãi không hợp lý. Ví dụ như hầu hết các công nhân chúng tôi làm với lương hàng tháng là 2,4 triệu/tháng (chưa kể tăng ca), vậy mà khi công ty tiến hành đóng bảo hiểm xã hội lại nhân với tỉ lệ 2,7 triệu đồng/tháng. Vậy có phải chúng tôi đã chịu thiệt thòi về việc đóng bảo hiểm, trong khi lương vẫn nhận chỉ có 2,4 triệu đồng", chị D một công nhân công ty cho biết.
Chị D cho biết thêm, ngoài việc đóng bảo hiểm ra còn việc tăng ca quá sức (trong 2h tăng ca nếu làm không đủ sản phẩm đề ra coi như không được tính tăng ca) mà lượng sản phẩm khoán cho mỗi công nhân quá nhiều, tiền ăn trưa mấy năm không thấy tăng, chỉ có 12.000 đồng/bữa. "Những ngày lễ tết chúng tôi không được nghỉ và cũng không được tính tăng (100% - 200%) như ghi trong hợp đồng lao động. Nhiều khi chủ quản còn buông lời chửi bới và hành động quá mức. Không đồng tình với việc làm trên nên hàng trăm công nhân chúng tôi đình công".
Công nhân đình công khiến công ty không có người làm
Trao đổi về sự việc trên, ông Lê Văn Toàn – Chủ tịch UBND xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân xác nhận, việc hơn 600 công nhân thuộc công ty TNHH giày Phúc Thành tiến hành đình công vào 2 ngày 8 và 9/1 là chính xác. Đa phần các công nhân cho rằng, công ty đã có phần ép công nhân trong việc khoán sản phẩm, tăng ca và thực hiện các chế độ chưa đúng với luật lao động.
"Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành của huyện Thọ Xuân đến hiện trường để đảm bảo trật tự và có buổi làm việc với công ty TNHH giày Phúc Thành. Sau đó, chúng tôi đã tiến hành đối thoại với công ty cùng các công nhân. Đại diện phía công ty cũng hứa, đến ngày 11/1 sẽ có trả lời chính thức đến các cơ quan ban ngành cùng đông đảo công nhân", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc công ty TNHH giày Phúc Thành cho biết, hàng trăm công nhân tiến hành đình công xuất phát từ những lý do không lớn, đây cũng có thể do việc nhận thức của đại đa phần công nhân chưa cao.
Theo ông Tân: "Việc đóng bảo hiểm xã hội chênh lệnh nhau là do Bảo hiểm xã hội huyện Thọ Xuân thực hiện chưa khớp và chúng tôi đã có kiến nghị đến cơ quan bảo hiểm. Riêng các công nhân phải làm việc trong những ngày nghỉ lễ là do trong tháng có những ngày mất điện nên công nhân làm bù và được tính lương như ngày bình thường".
Ông Tân cho biết thêm, nếu trường hợp hơn 600 công nhân kiên quyết không quay trở lại làm việc thì công ty còn lại bao nhiêu người sẽ làm bấy nhiêu.