Mặc dù được đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi, nhưng do tính toán thiếu thực tế, chất lượng kém nên rất nhiều các dự án tiền tỉ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Năm 2012, công trình nước sạch công nghệ nano tiêu tốn 1,25 tỷ đồng từ tiền hỗ trợ của Trung ương mọc lên tại thôn 4, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành. Tuy nhiên, khi chìa khóa chưa kịp trao vào tay người dân thì bể chứa nước đã nứt, máy bơm nước chạy như máy cày nên khi bàn giao 3 bên, người dân đã không nhận.
Để có dự án này, người dân vùng lụt thôn 3, thôn 4, xã Thành Kim đã phải hiến đất cho nhà máy, huy động sức người đào đắp nhiều tuyến đường để lắp đặt đường ống dẫn nước. Nhưng máy mới vận hành đã hỏng, người dân sợ không có tiền tu sửa, bảo trì nên kiên quyết không nhận, khiến cho số phận nhà máy nước rơi vào cảnh phơi sương, phơi nắng chẳng ai để ý đến. Người dân 2 thôn này vẫn hàng ngày dùng nước giếng khoan để sử dụng.
Công trình nước sạch xã Thành Kim bỏ hoang
Trưởng thôn 4, ông Phạm Văn Cung cho hay, khi có dự án nước sạch người dân rất mừng, vì dù sao nước qua xử lý vẫn tốt hơn cả. Nhưng công trình nước sạch không đảm bảo chất lượng, chưa sử dụng mà dân lại phải đóng tiền sửa chữa thì không chấp nhận được. Xã ép dân nhận công trình nhưng người dân không cần. Họ vẫn dùng nước giếng khoan, đầu tư thêm vài triệu đồng mua máy lọc nước về sử dụng đảm bảo an toàn. Vì thế, sau 6 năm, nhà cửa, máy móc đã xuống cấp, đường ống vỡ nhiều đoạn, để hoang phế. Sợ trẻ con vào nghịch, thôn phải làm cửa, khóa lại.
Còn dự án Trung tâm cụm xã Xuân Lộc do UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) làm chủ đầu tư, với rất nhiều hạng mục công trình trị giá tiền tỷ, sau khi hoàn thành sẽ phục vụ cho 5 xã Xuân Lộc, Vạn Xuân, Xuân Thắng, Xuân Chinh, Xuân Lẹ. Tuy nhiên, gần chục năm trôi qua nhiều hạng mục của công trình xây xong lại rơi vào tình trạng bỏ hoang, hoặc phát huy kém hiệu quả.
Theo đó, 6 hạng mục dự án khu trung tâm cụm xã Xuân Lộc gồm: Chợ trung tâm, Trạm khuyến nông, Trạm phát sóng truyền hình, Công trình nước sạch, Phòng khám đa khoa, đường giao thông. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có hạng mục công trình đường giao thông nông thôn là phát huy hiệu quả, các công trình còn lại vì nhiều lý do khác nhau đều gần như "vô ích".
Một người dân địa phương chia sẻ, hàng loạt công trình lớn xây dựng lên rồi bỏ hoang, không phát huy hiệu quả, sau nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng nhưng cũng không thấy xã, huyện có phương án gì để quản lý hoặc chuyển đổi công năng sử dụng cho phù hợp. Trong khi đó, đường sá, trường học còn vô vàn những khó khăn thì lại đầu tư vào những công trình thiếu thiết thực.
Thật khó hiểu khi công trình Chợ trung tâm cụm xã Xuân Lộc được đầu tư xây dựng khang trang, đặt ngay ở vị trí trung tâm xã Vạn Xuân thuận lợi, thiết thực phục vụ cho 5 xã huyện Thường Xuân giao thương, buôn bán nhưng lại bỏ hoang.
Theo lý giải của người dân, nguyên nhân khiến chợ bỏ hoang ngoài sự yếu kém trong khâu lôi kéo, kích cầu tiểu thương vào chợ của chính quyền xã, không thể không nhắc tới nguyên nhân chủ quan trong khâu khảo sát. Mặc dù nhu cầu mua bán nơi đâu cũng có, tuy nhiên tại các xã, huyện miền núi vùng cao, nhu cầu chủ yếu của người dân mang tính tự cung, tự cấp là chính. Những mặt hàng tiêu dùng không thể tự sản xuất thì bà con tập trung ra các đại lý lớn.
Chợ Vạn Xuân cỏ mọc um tùm
Cách không xa chợ trung tâm là trạm phát sóng truyền hình cũng đang đặt trong tình trạng xây lên rồi bỏ đó. Ngoài hệ thống cột sóng phơi sương, nhiều chỗ hoen rỉ thì khu nhà khang trang nằm trong hạng mục công trình cũng đang bỏ hoang, một phần được xã mượn làm phòng học, cỏ cây um tùm.
Phòng khám đa khoa với đầy đủ các phòng, ban chức năng được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân các xã lân cận nhưng lâu nay cũng hoạt động cầm chừng, không phát huy hiệu quả.
Trước những công trình xây dựng tiền tỷ rồi bỏ hoang hoặc kém phát huy hiệu quả gần chục năm nay, thực tế đòi hỏi các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp xử lý, tu bổ, chuyển đổi công năng sao cho phù hợp, tránh sự lãng phí.