Thanh Hóa: Dự án nạo vét cấp một đằng làm một nẻo

Thanh Phương| 29/08/2016 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù được UBND tỉnh cấp phép thực hiện dự án nạo vét đê hữu sông Chu gần chân cầu Hạnh Phúc với các quy định nghiêm ngặt, nhưng chủ đầu tư lại thực hiện không đúng phương án nhằm mục đích hút cát đem bán lấy tiền.

Ngày 8/7/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký văn bản số 7376/UBND-NN chấp thuận phương án nạo vét sông Chu bảo vệ đất bãi sông đoạn từ K19+780­- K19+987 đê hữu sông Chu tại xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân do Công ty TNHH Thoan Nụ lập. Giao công ty TNHH Thoan Nụ làm chủ đầu tư tự bỏ vốn thực hiện và được tận thu phế liệu đất, cát làm vật liệu san lấp.

Mục đích phương án nạo vét bãi bòi lòng sông Chu để khơi thông dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ hữu sông Chu, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp cho nhân dân. Phạm vi nạo vét được khống chế bởi các điểm góc M1-M7, chiều dài 300m, chiều sâu nạo vét đến cao trình 1,5m, tạo mái dốc mét bằng 2.

Thanh Hóa: Dự án nạo vét cấp một đằng làm một nẻo

Văn bản đồng ý dự án của UBND tỉnh Thanh Hóa

Biện pháp thi công, sử dụng máy đào có công suất từ 130 CV đến 180CV (dung tích gầu từ 0,45- 1,2 m3) để thi công nạo vét và vận chuyển bằng ô tô có tải trọng từ 4- 10 tấn. Bố trí đường vận chuyển từ khu vực nạo vét ra Quốc lộ 47B. Khối lượng nạo vét khoảng 20.617 m3 đất, cát. Thời gian thực hiện nạo vét đúng phương án được tỉnh chấp thuận trước ngày 31/5/2017.

Giao UBND huyện Thọ Xuân giám sát chủ đầu tư trong quá trình nạo vét đảm bảo an toàn về người, phương tiện thiết bị thi công; chỉ đạo thanh thải kịp thời các vật liệu, phế thải trong khu vực nạo vét để không làm cản trở đến việc thoát lũ trong mùa mưa, bão.

Thanh Hóa: Dự án nạo vét cấp một đằng làm một nẻo

Chủ đầu tư chưa cắm mộc giới, báo hiệu đường thủy nội địa, biển thông báo thông tin trên thực địa

Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trước khi nạo vét phải báo cáo chính quyền địa phương để giám sát quá trình thi công, đảm bảo an toàn giao thông.

Tổ chức thi công nạo vét đúng phương án đã được chấp thuận; trong quá trình thi công phải có phương án đảm bảo an toàn về người phương tiện, thiết bị; phải cắm mộc giới, báo hiệu đường thủy nội địa, biển thông báo thông tin trên thực địa; lưu ý tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới trụ cầu Hạnh Phúc. Có cam kết với chính quyền địa phương việc duy tu, bảo dưỡng và hoàn trả tuyến đường dân sinh phục vụ chuyển đất, cát.

Thanh Hóa: Dự án nạo vét cấp một đằng làm một nẻo

Tập kết cát ngay trong hành lang thoát lũ

Thời gian qua, Công ty TNHH Thoan Nụ đã huy động nhiều thuyền để tiến hành hút cát ngay chân cầu Hạnh Phúc rồi đưa lên bãi tập kết ngay trong hành lang tiêu thoát lũ khiến dư luận bức xúc. Chủ đầu tư không hề cắm mộc giới, báo hiệu đường thủy nội địa, biển thông báo thông tin trên thực địa, kế hoạch bảo vệ môi trường cũng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định.

Đặc biệt, Công ty TNHH Thoan Nụ đã thay đổi biện pháp thi công, khi tỉnh phê duyệt là dùng máy đào đưa lên ô tô vận chuyển đi nhưng đơn vị này lại đưa thuyền vào bơm hút cát. Sau đó đưa vào tập kết ngay trong phạm vi tiêu thoát lũ chờ bán kiếm lời. Việc làm của chủ đầu tư không chỉ vi phạm phương án đã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới trụ cầu Hạnh Phúc.

Thanh Hóa: Dự án nạo vét cấp một đằng làm một nẻo

Chủ đầu tư dùng thuyền hút cát ngay chân cầu Hạnh Phúc

Được biết, cầu Hạnh Phúc nối tỉnh lộ 506 với QL 45 trên 2 xã Hạnh Phúc và Xuân Lai được khởi công xây dựng từ năm 2002, tổng vốn đầu tư là 41 tỷ đồng, sau đó chậm tiến độ đã đội vốn lên cả chục tỷ đồng. Chiếc cầu giúp nhân dân 8 xã của Thọ Xuân nối liền với trung tâm huyện trong phát triển kinh tế- xã hội.

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan, UBND huyện Thọ Xuân chấn chỉnh, xử lý vi phạm của chủ đầu tư là Công ty TNHH Thoan Nụ trong việc thực hiện dự án nạo vét sông Chu đoạn qua xã Hạnh Phúc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Dự án nạo vét cấp một đằng làm một nẻo