Nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng và là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Là tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, đứng thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên với hơn 11.000 km2, đứng thứ 3 về quy mô dân số với trên 3,64 triệu người, “Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về KTXH, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistic, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao…”, như Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đưa ra nhận định Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm vừa diễn ra vào tháng 6/2020.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư vào địa bàn
Thanh Hóa hiện được xem là điểm đến đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong giai đoạn 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 1.122 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 80 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, tăng 38% so với giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, đối với công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 129 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp
Với kỳ vọng tạo bước đột phá hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Khu kinh tế Nghi Sơn điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư chiến lược
Tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch. Tiếp tục rà soát, xây dựng các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu dọc các tuyến đường giao thông lớn, làm cơ sở thu hút đầu tư. Tăng cường cung cấp thông tin về các hiệp định kinh tế - thương mại, thông tin thị trường, khoa học công nghệ... cho DN tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời, xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu vềthông tin kinh tế - xã hội của tỉnh để cung cấp cho các DN, nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục duy trì các đối tác truyền thống; đồng thời, mở rộng, tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa ta sẽ quan tâm thu hút các nhà đầu tư lớn đã khẳng định thương hiệu, các dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, làm hạt nhân tạo sự lan tỏa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Một góc khu công nghiệp Bỉm Sơn
Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tỉnh tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương”.
Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh Thanh Hóa chủ động thực hiện “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.
Bên cạnh đó, vào ngày 20 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng với các ngành duy trì lịch tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đang phấn đấu trong năm 2020, việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, thủ tục hành chính của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã được thực hiện trong môi trường điện tử, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Với phương châm “Doanh nghiệp thành công – Thanh Hóa phát triển”, tỉnh Thanh Hóa luôn mở rộng cửa, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất để thực hiện khát khao xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu mạnh thịnh vượng vào năm 2030.