Xã hội

Tháng 5 về, chúng con lại nhớ tới Người

Gia Ân- Hoàng Minh 13/05/2023 16:27

Cứ mỗi độ tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác với tấm lòng trân trọng, thành kính và biết ơn sâu sắc. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh vì nước, vì dân, Người đã để lại cho dân tộc ta di sản vô cùng quý báu. Đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, cũng chính là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tấm gương sáng ngời để mọi người dân Việt Nam học tập và noi theo.

Gia đình, quê hương là cái nôi đào tạo, là nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng Người khôn lớn

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên hồi nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sớm được thân phụ và thân mẫu dạy cho những bài học quý báu đầu tiên về nhân cách, về tình yêu lao động, tình yêu quê hương đất nước nồng nàn.

bac_ve_tham_que.jpg
Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (1957) trong niềm hân hoan của bà con chòm xóm ( Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác) là người đã có ảnh hưởng rất lớn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi ông là người có học vấn uyên thâm, một nhân cách yêu nước, thương nòi sâu sắc, có ý chí nghị lực phi thường, luôn vượt lên mọi khó khăn để đạt được mục đích đặt ra.

Mặc dù là người học rộng tài cao, nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc lại rất khiêm tốn, không ưa thói hình thức, khuếch trương. Ông sống đạm bạc, gắn bó, gần gũi với nhân dân lao động nghèo, được nhân dân yêu thương đùm bọc và ông cũng đã sống trọn tình vẹn nghĩa với họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ quên bài học khiêm tốn, giản dị của cha mình và người đã tiếp nhận, noi gương sáng ấy. Có thể nói, ông Nguyễn Sinh Sắc đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh – một nhân cách lớn của thời đại chúng ta.

Song hành bên cạnh là người mẹ hiền yêu dấu Hoàng Thị Loan, bà là một người phụ nữ cần mẫn, đảm đang, đôn hậu, sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải, hết lòng thương yêu và chăm lo cho chồng con. Bà đã có tác động tích cực đến các con bằng đức tính giản dị, đức hy sinh, chung thủy, yêu đời, yêu nước.

Là một người phụ nữ biết ít nhiều chữ thánh hiền, bà đã dành rất nhiều tâm sức truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội. Tất cả những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh của con đều được bà tìm cách trả lời rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu.

Đối với Hồ Chí Minh, sự ảnh hưởng của người mẹ thể hiện bằng một nền văn hóa dân gian mang đậm bản sắc địa phương, truyền thống dân tộc, phản ánh trung thực những khát vọng, ý nguyện và phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân.

Bà đã nêu một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho các con học tập. Ở đâu, bà cũng thể hiện một lối sống trong sáng, có nghĩa có tình, được mọi người yêu mến và kính trọng. Tất cả những đức tính, phẩm chất tốt đẹp đó đã đồng hành cùng Hồ Chí Minh đi suốt cuộc đời.

Không những thế, bà Hoàng Thị Loan còn là một người mẹ cần cù, chăm chỉ, bà đã dạy các con biết yêu lao động, biết làm những việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi của mình một cách say mê, sáng tạo và chịu khó. Chính nếp sống giản dị thanh cao, yêu lao động đó của bà đã được phản ánh rất rõ nét trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tuổi thơ của Hồ Chí Minh còn được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bài vè, câu dân ca, điệu hát ru nặng tình non nước. Những sinh hoạt như lẩy Kiều, kể chuyện cổ tích, hát phường vải của bà ngoại, của dì An và bà con làng xóm đã in đậm vào tâm hồn, ký ức của Người.

Chính cái nôi văn hóa gia đình và quê hương đã trở thành nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng và trở thành điểm tựa tinh thần của Hồ Chí Minh trên bước đường cách mạng sau này.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu với 2 lần trở về đầy xúc động

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt sâu nặng cho quê hương. Thế nhưng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ thời điểm ra đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Bác chỉ về thăm quê được hai lần, vào tháng 6/1957 và tháng 12/1961.

Đó là những kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với Bác mà với cả nhân dân quê nhà. Cho đến hôm nay, những ký ức, lời căn dặn của Người vẫn còn vẹn nguyên, khắc sâu trong tâm trí của mỗi người con xứ Nghệ.

50 năm kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác mới được về thăm lại quê hương, bà con làng xóm, thăm ngôi nhà đơn sơ gắn liền với tuổi thơ đầy kỷ niệm.

lang_sen_que_bac1.jpg
Khu di tích lịch sử Kim Liên là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, đồng thời mở cửa đón khách tham quan, dâng hương, cúng viếng.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh là nơi đầu tiên Người đặt chân đến khi về tới Kim Liên (huyện Nam Đàn - Nghệ An). Đây cũng chính là ngôi nhà của ông nội Bác ngày xưa. Bác trầm ngâm, ngắm nhìn thật lâu và vô cùng xúc động khi nhìn lại những kỷ vật của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Sau đó, Người ân cần trò chuyện với bà con và căn dặn mọi người phải biết yêu thương, đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Trong chuyến về thăm quê này, Bác đã xúc động thốt lên những vần thơ hết sức sâu sắc, ý nghĩa:

“Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”

Hình ảnh vị lãnh tụ cao gầy với bộ quần áo giản dị, đôi dép cao su chia tay bà con nơi gốc đa sân vận động, rồi bịn rịn lên xe vẫn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân huyện Nam Đàn - Nghệ An.

Tạm biệt quê hương ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi còn trẻ, nay trở về tóc Người đã pha sương, bà con nhân dân Nam Đàn đã rạo rực, mong ngóng Bác để được tận mắt nhìn thấy người con vĩ đại của Làng Sen. Sự giản dị, quan tâm, ân cần của Người khiến mọi người dân nơi đây cảm thấy vô cùng gần gũi, thân thuộc.

Dẫu chỉ được về thăm quê hai lần nhưng sâu thẳm trong trái tim và tâm trí, Người vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt, sâu nặng cho quê hương yêu dấu.

Dù Bác đã đi xa nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ và mãi biết ơn vô hạn với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Với nhân dân Nghệ An, những lời căn dặn của Bác vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là nguồn động lực, quyết tâm lớn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

que_bac_12.jpg
Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu  ( Ảnh tư liệu)

Để tưởng nhớ 133 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2023), hiện nay, hàng ngày từng đoàn người khắp muôn nơi lại nối nhau về thăm quê Bác.

Ngôi nhà lá đơn sơ cùng những hiện vật gắn với cuộc sống sinh hoạt bình dị của Người như níu giữ bước chân người ở lại. Và những ngày này, hơn lúc nào hết, trong lòng chúng con lại trào dâng nỗi nhớ Bác khôn nguôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 5 về, chúng con lại nhớ tới Người