Từ thị xã Bảo Lạc hỏi thăm đường đến nhà thầy lang Sùng A Tú không khó. Nhiều năm nay, ông đã trở nên khá nổi tiếng trong cộng đồng người dân tộc tại huyện biên giới Tây Bắc tỉnh Cao Bằng này.
Thông tin về một vị thầy thuốc người Mông ở vùng biên xa xôi có biệt tài chữa tai biến mạch máu não và chấn thương sọ não, giúp người liệt giường chiếu đi lại được đã nhen lên hy vọng cho nhiều gia đình có người thân không may bị bệnh hiểm...
“Trạm xá” vùng biên
Nhà thầy thuốc Sùng A Tú nằm trên con đường độc đạo dẫn vào UBND xã Cô Pa. Chếch phía trên là đồn biên phòng Cô Pa, dưới là dòng sông Gâm, đoạn bắt đầu chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Anh cán bộ xã đi cùng chúng tôi bảo: “Cũng may là anh Tú mới chuyển nhà xuống đây để tiện cho bệnh nhân tới khám bệnh, xin thuốc. Trước đây anh ấy ở mãi cuối bản Nà Tao sát biên giới, phải đi bộ nửa ngày mới tới”. Vừa dứt chuyện đã thấy bên đường có tấm biển ghi “Thầy thuốc Sùng A Tú”, cùng mũi tên chỉ vào vách núi.
“Trạm xá” của thầy lang Sùng A Tú là một dãy nhà được thưng vách gỗ, lợp tôn xi măng trên khu đất rộng gần 100m2 dành cho những bênh nhân ở xa về điều trị. Thông thường là những người bị bệnh nặng mà Tây y đã bó tay. Trong nhà kê khoảng chục chiếc giường cho phạm nhân và người nhà, kế đó là khu tắm thuốc và sát vách núi là bếp dùng để đun thuốc và nấu thức ăn.
Cây thuốc có lá nhỏ này có tác dụng tiêu đờm, làm sạch phổi
Đón chúng tôi vào nhà, thầy lang Sùng A Tú điềm đạm lắng nghe mong muốn của lương y Phạm Văn Thanh, chủ nhà thuốc Hoàng Liên Sơn, Lào Cai về việc cùng nhau trao đổi kiến thức y thuật giúp đời. Rồi ông bảo: “Tôi vốn không được học hành trường lớp mà chỉ học các bài thuốc truyền thống của gia đình và tự nghiên cứu trong quá trình chữa bệnh, ví dụ như số bài thuốc chữa gãy xương sườn, xương quai xanh, xương gãy bị dập nát bệnh viện trả về, tai biến liệt nửa người giai đoạn đầu…”. Đang nói chuyện thì đến giờ làm thuốc, chúng tôi theo Sùng A Tú ra khu giường bệnh. Ông lại gần một thanh niên gầy ốm, mặt lệch đi vì hộp sọ đã bị cưa mất ¼ để kiểm tra sự tiến triển sau một tuần điều trị.
Vừa chăm chú theo dõi mọi động tác của thầy lang đang khám cho con mình, bà Hà Thị Dùng, mẹ của bệnh nhân Đàm Thanh Hiếu vừa kể về nỗi khổ của bà. Cách đây một tuần, hai mẹ con thuê xe cứu thương đưa nhau từ Nguyên Bình, Cao Bằng lên đây. Anh Hiếu là nghề sửa chữa điện, trong một lần leo lên tầng hai sửa điện cho chủ nhà không may trượt ngã. Bệnh viện Cao Bằng bước đầu chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, đồng thời bị dập phổi và gãy chân. Ngay lập tức, anh được đưa về bệnh viện Việt Đức. Các bác sỹ phải mở hộp sọ, lấy ra ¼ hộp sọ vỡ, rồi mở thông họng. Sống thực vật gần một tháng không tỉnh, các bác sỹ đã rút ống thở, khuyên gia đình cho anh về quê lo hậu sự, vì không thể cứu được. Nhưng khi về đến nhà, anh Hiếu không tỉnh lại mà cũng chẳng chết, các vết thương bị hoại tử nhìn rất khủng khiếp, phổi bị viêm nặng dẫn đền sưng nề ngực.
Đánh tiếng hỏi thăm khắp nơi, cuối cùng, vợ anh Hiếu được giới thiệu lên Bảo Lạc gặp thầy lang Sùng A Tú. Chị mang về một bao tải thuốc toàn lá và than cây rừng về cho chồng uống theo lời dạn của thầy lang. Không ngờ sau một tuần, anh Hiếu dễ thở hẳn, đi chiếu chụp ở Bệnh viện Cao Bằng thấy hết viêm phổi. Tuần tiếp đó thì anh có dấu hiệu tỉnh lại, dần dần tự nhấc đầu dậy, mở mắt nhìn quanh và mấp máy nói… Mừng vui khôn xiết, bà Dung và con dâu quyết tâm đưa người bệnh lên gặp thầy lang điều trị lâu dài. Hiện, anh đã có thể ngồi dậy, tự ăn cơm và nói những câu đơn giản.
Thầy lang Sùng A Tú chăm sóc bệnh nhân Đàm Văn Hiếu
Cạnh giường anh Hiếu là anh Thành - một cán bộ công tác trong ngành Tài chính tại Hà Nội. Đi theo chăm sóc là người em tên Thuận cũng xin nghỉ không lương để đưa anh lên đây điều trị. Anh Thành bị tai biến mạch máu não và từng được gia đình đưa tới các bệnh viện lớn tại Singapore, Trung Quốc điều trị xong không khỏi. Cơ thể cứ dần hôn mê sâu và có lúc tưởng chết lâm sàng. Họ hàng, thân quyến đã rục rịch tính đến chuyện lo hậu sự. Nghĩ là còn nước còn tát, sau khi thuyết phục gia đình, anh Thuận đưa anh trai tìm lên tận vùng biên này để cậy nhờ đến ông lang người Mông. Hàng ngày, anh Thành được ngâm thuốc, uống thuốc và trực tiếp thầy lang Sùng A Tú thổi hương đả thông khí huyết ở các huyệt đạo trên cơ thể. Sau nửa tháng, bệnh tình của anh đã có chuyển biến rõ rệt, anh đã có thể lần giường tập đi và tự làm vệ sinh cá nhân. Nói thay anh mình, anh Thuận cười rất tươi: “Bố mẹ, chị dâu và các cháu tôi dưới Hà Nội đang vô cùng hy vọng. May nhờ gặp được thần y, chứ nếu không có khi giờ này anh tôi cũng đã nằm dưới 3 tấc đất”.
Nhẩm đếm một vòng, tôi tính được có khoảng 14 bệnh nhân đang nửa nằm, nửa ngồi trong khu điều trị. Hầu hết họ đều bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Tất cả đều hi vọng vào sự thần diệu của những cây thuốc quý.
Những bài thuốc bí truyền
Hết giờ khám bệnh, thầy lang Sùng A Tú trở lại với chúng tôi bằng câu chuyện về cây thuốc mặt trăng - loại thuốc chính dùng cho điều trị tai biến và chấn thương sọ não. Muốn tìm được loại cây này phải thông thuộc địa bàn và biết nhận dạng cây vì tuy là cây thân gỗ, nhưng lá của nó lại tựa như lá chuối và đổi màu 3 lần mỗi ngày. Cây mặt trăng là một trong 500 cây thuốc độc đáo của dân tộc Mông mà ông được hai người cha truyền dạy.
Cha để Sùng A Tú là một thầy lang có thể chữa những bệnh đơn giản và biết những cây thuốc phổ thông. Ông thường chữa bệnh cho dân bản không lấy tiền. Từ cha và những người anh em họ Sùng sống bên kia biên giới, Sùng A Tú đã học được hai bài thuốc đặc biệt nhất, là bài thuốc chữa gãy xương và bệnh tim. Bài thuốc trị bệnh tim của Sùng A Tú đã giúp hàng trăm người thoát khỏi tử thần. Còn bài thuốc chữa xương lại hết sức độc đáo khi có khả năng kích thích xương mọc lại, đồng thời đào thải xương vụn ra ngoài. Nhiều người đã đắp loại thuốc này và đều liền xương trở lại. Đơn cử như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cô Ba Vương Quốc SLấn bị tai nạn gãy 3 xương sườn, 1 xương quai xanh, xuống bệnh viện tỉnh nhưng không đóng đinh được vì xương đã dập đành đến nhờ đến ông. Giờ thì xương của Slấn đã liền lại, chụp XQuang cũng không còn dấu vết(!?).
Riêng với bài thuốc chữa chấn thương sọ não, tai biến… Sùng A Tú học được từ cha vợ. Khu bào chế thuốc của nhà ông chất đầy những cành củi khô lộc ngộc. Con trai cả Sùng A Dí và con dâu Thào Thị Sia đang ngồi chẻ các gốc cây thuốc thành những mảnh vụn nhỏ. Thảo dược chữa chấn thương sọ não, tai biến có 6 loại, gồm 1 loại lá và 5 loại gỗ. Loại lá có lá nhỏ như lá móc mật. Thử nhấm một chút lá bé xíu, lập tức tinh dầu trong lá xộc lên mũi, xuống họng cay rát. Trong bài thuốc của Sùng A Tú thì loại lá này có tác dụng tiêu đờm, làm sạch phổi, hạ huyết áp. Nếu đem ngâm với rượu cùng một loại cây khác, mỗi ngày đem rượu ấy cho bệnh nhân ngậm một chút thì lưỡi sẽ dần mềm ra mà nói được.
Lấy ra một thân gỗ to bằng miệng bát, thầy lang Sùng A Tú bảo người Mông gọi loại cây này là cây mặt trăng - loại cây lúc tươi có thớ gỗ đỏ như nước trầu thường mọc trên những vách đá cao, khuất sâu trong lòng núi, có cây to bằng một ôm tay. Phải băm nhỏ thân cây rồi lấy những mảnh gỗ đó sắc kỹ, gạn lấy nước cho người bệnh uống. Sùng A Tú cũng cho biết thêm rằng, đối với bệnh này, nếu đã để lâu từ 5 tháng trở ra thì khó chữa. Ngoài ra cũng tùy theo tình trạng của mỗi người mà dùng thuốc, có loại ngâm rượu xoa bóp, loại đun nước uống, loại ngâm rượu chấm vào mồm cho lưỡi mềm, cổ họng thông để biết nói, loại đun nước tắm cả người. Phải kết hợp đủ 4 phương pháp với 6 vị thuốc thì bệnh mới mong biến chuyển. Ngoài ra, như cha ông truyền lại thì trong thời gian điều trị, bệnh nhân tuyệt đối kiêng ăn thịt bò, trâu, chó, ngựa, cá, gà, cà chua, nếu ăn mà bệnh tái phát thì không có cách nào cứu được.
Sở hữu nhiều bài thuốc quý, song Sùng A Tú - người được gọi là “Thần y biên giới” này chỉ tâm niệm một điều là ‘làm phúc hơn làm giàu”. Mỗi bao thuốc dùng cho cả tháng mà ông cùng con trai phải lặn lội nhiều ngày trong rừng mới lấy được chỉ có giá 500.000 đồng. Thậm chí, nhiều người tìm đến nơi núi rừng này khi đã cạn sức người, sức của, quá khó khăn ông cũng không lấy tiền thuốc. Riêng bà con đồng tộc thì chỉ cần đem một con gà, chai rượu cúng tạ ơn thần núi cho cây thuốc.
Năm 2012, Sùng A Tú được kết nạp và trở thành hội viên Hội Đông y Việt Nam. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ Bắc chí Nam bảo nhau tìm về vùng rừng Nà Tao chữa bệnh. Cũng lại có thêm nhiều thầy thuốc từ miền xuôi nên mời ông hợp tác với lời hứa sẽ nhanh chóng giàu có mà ông đều từ chối. Sùng A Tú bảo bài thuốc này ông được truyền dạy là để chữa bệnh cứu người chứ không mong kiếm lợi.