Thận trọng để tránh "đẽo cày giữa đường"

Chính Tâm| 31/05/2022 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lịch sử giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ, để thêm yêu, tự hào về cha anh và đất nước, giúp ta có sức mạnh nội sinh vững bước trên con đường tương lai ta chọn, để khiến bản thân, gia đình, dòng họ, cao hơn là Tổ quốc phát triển phồn thịnh và hạnh phúc hơn. Và thế hệ trẻ yêu thích và gắn bó với môn lịch sử chưa bao giờ phụ thuộc vào việc nó là môn bắt buộc hay lựa chọn.

Con tôi học năm cuối cấp THCS, có xu hướng học các môn xã hội hơn, nhưng 8/9 môn con đều đạt kết quả khá. Chỉ riêng môn Vật lý thì con học chật vật và quá vất vả. Con rất cố gắng nhưng số điểm chỉ luôn chạm mốc trung bình. Điều đáng nói là con luôn cảm thấy như “không cam tâm” với suy nghĩ rằng, nếu con học các môn xã hội thì học “về điện” làm gì.

Không chỉ riêng con tôi, mà không ít các bạn cùng tuổi của con cũng có xu hướng theo đuổi các môn học, khối học mà các con thích. Đối với con tôi là môn Vật lý, đối với nhiều bạn cũng  có những môn học chỉ là "đối phó", khi cảm thấy môn học đó xa vời nguyện vọng và mục tiêu của mình.

Điều này càng khẳng định chủ trương phân luồng mạnh sau trung học cơ sở của ngành Giáo dục đang đi đúng hướng.

Vậy mà, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT lại đang gặp những vướng mắc không dễ giải quyết. Theo chương trình cải cách áp dụng cho năm học 2022-2023, môn Lịch sử cấp THPT sẽ là môn học tự chọn. Song mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đã có văn bản chính thức trình lên UBTVQH trong đó đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các ĐBQH, quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.

than-trong-de-tranh-deo-cay-giua-duong.jpg
Dư luận và các ý kiến cho rằng nhiều học sinh sẽ chạy theo học những môn mũi nhọn mà bỏ qua môn Lịch sử khi môn này chính thức trở thành môn tự chọn, khiến cho các nhà thiết kế chương trình giáo dục có thể rơi vào tình trạng "đẽo cày giữ đường". Ảnh minh họa

Mặc dù quyết định cuối cùng còn chờ cấp có thẩm quyền, song điều này cũng đang tạo ra sự thiếu nhất quán và vô cùng bị động cho ngành Giáo dục tại thời điểm này. Các vấn đề sau đây cần phải được làm rõ, cân nhắc một cách thận trọng trước khi quyết định:

Thứ nhất, Lịch sử là một môn khoa học, việc cải cách chương trình đối với môn học này cần phải được xem xét ở góc độ khoa học đúng đắn, phù hợp với xu hướng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu người dạy và học.

Xét định hướng xây dựng và mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy mục tiêu của giáo dục tiểu học và THCS là đào tạo cơ bản, thì ở cấp THPT, định hướng giáo dục đã tập trung nhiều hơn vào mục tiêu lựa chọn nghề nghiệp để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chính vì vậy, chương trình của bậc THPT mang định hướng nghề nghiệp cao, trong đó một số môn mang tính chất công cụ, hay tích hợp mục tiêu phát triển nhiều năng lực chung sẽ là các môn học bắt buộc, những môn học có mục tiêu phát triển năng lực chuyên biệt sẽ nằm trong tổ hợp lựa chọn. Với cách làm như vậy, các môn lựa chọn sẽ mang tính phân hoá và chuyên sâu hơn so với chương trình hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh khi lựa chọn những tổ hợp này.

Cụ thể đối với môn Lịch sử cấp THPT, hầu hết các kiến thức thông Sử đã được giới thiệu đầy đủ cho đến hết chương trình lớp 9. Học sinh tốt nghiệp THCS là đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản nên kiến thức Lịch sử, cũng như tất cả các môn học khác, đã đạt trình độ phổ thông.

Thêm vào đó, Chương trình Lịch sử ở THPT sẽ được tổ chức dưới dạng chuyên đề, đào sâu vào các lĩnh vực chuyên biệt của ngành Sử học như nghiên cứu lịch sử, lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới.

Điều này hoàn toàn phù hợp xu hướng phổ cập khi chương trình bao gồm nhiều môn học hơn với sự lựa chọn linh hoạt và có mối quan hệ chặt chẽ với định hướng nghề nghiệp.

Một lần nữa nhắc lại rằng, Lịch sử là một môn học khoa học, bên cạnh việc lắng nghe dư luận nhưng chúng ta cũng cần tôn trọng ý kiến chuyên môn. Cần vì lợi ích của đối tượng học, tôn trọng người học một cách tối đa trong một bối cảnh xã hội vận động phát triển văn minh tiến bộ, chứ không chỉ là lối tư duy truyền thống khó thay đổi.

Thứ 2 trên thực tế, Chương trình được xin ý kiến 2 lần năm 2015 và 2017. Chương trình các môn được xin ý kiến 2 lần, xin ý kiến các sở GD&ĐT, xin ý kiến giáo viên, các cơ sở giáo dục. Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình mới với GS Sử học Phan Huy Lê sau nhiều lần xem xét đã thông qua. Chương trình đã xin ý kiến các hội đồng, ủy ban, ban tuyên giáo… Sau khi nhận được đồng thuận cao thì đã thông qua chương trình này.

Vậy thì, chúng ta cũng cần phải xem xét việc Bộ GD&ĐT ban hành chương trình có nội dung quy định về môn Lịch sử là đúng hay sai. Nếu đúng thì phải kiên quyết bảo vệ, nếu sai thì phải xem xét, sửa đổi. Cũng cần làm rõ nếu sai thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Một vấn đề chắc chắn không thể không lường đến đó là, khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã “chốt”, được biên soạn theo chuyên đề, mang tính định hướng nghề nghiệp, nếu thay từ lựa chọn thành bắt buộc, chúng ta sẽ phải thay đổi cả hệ thống, thay từ THCS và THPT và thay cả SGK các môn khác. Không chỉ thay đổi đối với môn học này mà còn kéo theo phải điều chỉnh thời lượng, thiết kế chương trình của các môn học khác… Chúng ta có kịp xoay chuyển tình thế không, khi mà chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10.

Lịch sử giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ, để thêm yêu, tự hào về cha anh và đất nước, giúp ta có sức mạnh nội sinh vững bước trên con đường tương lai ta chọn, để khiến bản thân, gia đình, dòng họ, cao hơn là Tổ quốc phát triển phồn thịnh và hạnh phúc hơn. Và thế hệ trẻ yêu thích và gắn bó với môn lịch sử chưa bao giờ phụ thuộc vào việc nó là môn bắt buộc hay lựa chọn. Một minh chứng rất dễ nhận ra là môn Lịch sử  xưa nay vốn vẫn là môn bắt buộc, song điểm môn lịch sử tại các cấp học so với mặt bằng chung không phải là cao nhất, thậm chí có trường còn “đội sổ” và số lượng các em tham gia khoa Sử tại các trường chuyên chưa bao giờ là đông nhất.

Thay vì lo ngại việc con em chúng ta không chọn học sâu thêm môn Sử ở cấp PTTH sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước, thì chúng ta hãy chấp nhận xu thế, mạnh dạn trao cho con em chúng ta quyền được lựa chọn cho tương lai; những người làm Giáo dục cần dũng cảm đối mặt với hiện thực, thay đổi tư duy và phương pháp dạy, để Lịch sử phải được trả về đúng bản chất là môn học hấp dẫn, chứ không phải môn học đặc thù theo định hướng.

Đó là những vấn đề các ban ngành chức năng và các cấp thẩm quyền cần xem xét nghiêm túc và kỹ lưỡng, nếu không "đẽo cày giữa đường" đôi khi còn dẫn đến “lợn lành biến thành lợn què”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng để tránh "đẽo cày giữa đường"