Đêm Đồng Văn, giữa thâm trầm phố cổ, giữa chùng chình sương giá, bất chợt có tiếng khèn Mông dìu dặt, réo rắt từ đâu đó ùa ra giăng mắc không gian, rồi hắt lên mãi đỉnh trời.
Tôi đã đi theo những thanh âm đầy mê dụ ấy để rồi gặp được ông, người đàn ông Mông tài hoa nhất nhì Thèn Pả.
Ông là Giàng A Chứ, SN 1964, nhà ở Thèn Pả (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), người được cộng đồng người Mông nơi biên viễn này tấn phong là Thần khèn trên ải bắc.
"Say" khèn khi tóc còn để chỏm
Đồng Văn, với những dãy phố cũ, thềm đá, nền đá và những cây cột đá ám khói mèn mén, thắng cố và bễ lò rèn đốt lên từ hàng nghìn phiên chợ miền rừng này như có hồn để níu kéo khách thượng sơn. Nó như một món đặc sản ướp ủ trong giá lạnh, sương muối và những cơn gió cao nguyên khoáng đạt. Phố cổ Đồng Văn về đêm, thâm nâu, thâm trầm mà vạm vỡ. Đèn lồng đỏ được đốt lên bên hiên những mái nhà cong nghiêng, cũ càng, có lớp, có trang của cả trăm năm sử núi. Xa xa, phía dưới ngọn núi cao vòi vọi đổ bóng là chợ cổ Đồng Văn với hàng chục nghệ nhân trình diễn ca vũ đậm hồn sơn cước. Tất cả những thứ đó hòa quyện vào nhau gợi nét đẹp dặm trường, dậy lên cái vẻ phong trần, xa ngái.
Trong một góc nhỏ, dưới mái chợ rêu phong, giữa sù sụ áo khăn chống rét biên thùy, Giàng A Chứ cùng với con gái út của mình là Giàng Thị Mỷ (SN 2012) đang trình diễn những điệu khèn Mông trước cặp mắt của hàng trăm du khách. Tiếng khèn ấy, không chỉ điểm tô làm sang cả cho phố núi, mà nó còn giúp cho người ta được tắm mình trong không gian văn hóa nguyên bản, cổ sơ của một tộc người nơi biên ải.
Đối với cộng đồng người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn, khèn là loại nhạc cụ giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống tinh thần. Nó được sử dụng trong những ngày hội truyền thống của dân tộc Mông như lễ, Tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin hay trao duyên hò hẹn, có khi bắt nhịp cho các điệu múa mạnh mẽ trong những đêm hội. Và, trong mỗi hoàn cảnh, khèn lại được sử dụng linh hoạt theo nhiều cách khác nhau. Khác với nhiều nhạc cụ âm nhạc dân tộc, âm thanh của khèn là đa thanh, khi thổi ra, hít vào, tất các các ống đều phát ra âm cùng lúc, âm thì vút cao trong trẻo, âm thì trầm vọng, da diết như lời tự tình của đôi trai gái.
Thế nên, người già ở Thèn Pả bảo rằng, đã là trai người Mông thì khi biết cầm con dao, cái cuốc lao động trên nương trên rẫy, cũng là lúc họ phải biết cầm khèn. Bởi với họ, thổi khèn không đơn giản là một phương tiện giải trí, mà chính là đem tài nghệ của mình và thông qua tiếng khèn - những chàng trai Mông sẽ tìm được “một nửa” của mình.
Ông Chứ (ở giữa): "Tôi chỉ lo tiếng khèn Mông ngày càng mai một"
Sống giữa cái nôi văn hóa của dân tộc mình như thế nên ngay từ lúc là đứa trẻ chăn trâu, đầu còn để chỏm, ông Chứ đã ham khèn. Bố, ông nội, cụ nội ông đều là những “tay” khèn nổi tiếng. Mẹ ông lại là người Vần Chải, quê hương của các nghệ nhân làm khèn Mông nức tiếng Hà Giang. Mỗi lần bản làng mở hội, ông Chứ lại bám áo ông, áo bố "xem” khèn. Ấy thế cho nên, mới 12 tuổi, ông đã thuộc làu làu rất nhiều giai điệu khèn của dân tộc mình, từ những điệu khèn du dương, trầm bổng đến những điệu reo vui, sầm sập như nước suối nguồn...
Tài năng trổ hoa trên đá
Nhìn thấy ngọn lửa đam mê âm nhạc cháy trong mắt cậu con trai, ông Giàng A Chờ, một nghệ nhân đã dành nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật khèn truyền thống của người Mông, dốc lòng truyền thụ hết những hiểu biết và kỹ năng về khèn cho Chứ. Ông Chờ dạy con của mình chơi khèn, múa khèn, không phải để thành một người hành nghề biểu diễn kiếm cơm, càng không phải để tìm chút hư danh gì nơi xó núi. Mà đơn giản, ông muốn trao truyền những giá trị văn hóa mà tổ tiên mình từng sở hữu cho con cháu, để nó không bị mai một, thất truyền. Mỗi ngày vài hơi, vài nốt, ông Chớ vừa dạy, vừa biểu diễn cùng con. Cứ thế, tiếng khèn đắm đuối với những giai điệu biến hóa ảo diệu của khèn Mông dần dần ngấm vào Giàng A Chứ.
Ông Chứ bảo, bên cạnh việc truyền tải tình cảm qua âm thanh, khèn của người Mông còn là một đạo cụ hỗ trợ đắc lực cho việc biểu diễn. Người thổi khèn giỏi còn phải biết múa khèn. Vừa thổi, vừa múa khèn thật sự là một nghệ thuật đòi hỏi người sử dụng phải kết hợp nhuần nhuyễn. Động tác múa của khèn rất đa dạng, phong phú: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc với tốc độ càng nhanh thì càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau giúp cho ta được thưởng thức cùng lúc cả âm lẫn hình.
Nhưng, cái khó là vừa phải ngậm khèn để thổi, vừa thực hiện những điệu nhảy, điệu múa xoay vòng liên tục mà tiếng khèn không chùng không căng ngoài ý muốn, không bị lạc nhịp mới là điều quan trọng. Trong tất cả những bước nhún nhảy, quay người hoặc lăn mình trên đất người nghệ nhân vẫn ôm khèn thổi với nhiều giai điệu khác nhau. Điều đó nó thể hiện kỹ thuật điêu luyện, sự tinh tế và tài tình của người thổi. Vì vậy, người thổi và múa khèn phải có lòng kiên trì và lòng đam mê cháy bỏng.
Một tiết mục của hai bố con “Thần khèn”
Thế nên, muốn trở thành một người thổi khèn giỏi, thông thường người con trai Mông phải tập khèn từ 13- 14 tuổi để có thân hình mềm dẻo, nhịp nhàng, quan trọng hơn cả là rèn khí để hơi được sâu, được dài. Động tác khó nhất khi múa khèn là vừa ôm khèn vừa lăn mình, nhảy điệu “đá gà”, “đá ngựa” mà tiếng khèn vẫn không dứt. Để biểu diễn được những động tác này với khoảng trên dưới 30 khúc nhạc, đòi hỏi người chơi phải mất rất nhiều công tập luyện, và không phải ai cũng có thể làm được…
Nhờ có năng khiếu, cộng với niềm đam mê và sự truyền dạy tận tình, tỉ mỉ của bố, 13 - 14 tuổi Giàng A Chứ đã nổi tiếng "hay" khèn khắp vùng Lũng Cú. Bao giờ cũng vậy, khi tiếng khèn của ông cất lên, người ta nghe trong đó vừa như có tiếng nước róc rách từ trên nóc núi chảy xuống thung Thèn Pả, vừa như có tiếng gió rào rạt chơi cút bắt trên những đỉnh rừng. Nhiều nghệ nhân khèn ở Lũng Cú khi nghe cậu bé Chứ thổi đã không khỏi rưng rưng xúc động. Họ bảo: "Vậy là chúng tao không còn phải lo tiếng khèn của người Mông mình sẽ theo người già về với Giàng rồi!".
Thắp lên niềm đam mê trong lớp trẻ
Cũng nhờ những tiếng khèn đầy mê dụ ấy mà năm ông Chứ 13 tuổi đã có cô gái tên Sùng Thị May (SN 1964), nhà ở Vần Chải theo về "nâng khăn sửa túi". Ông "làm chồng" từ thuở 13. Đến năm 22 tuổi, dù đã yên bề gia thất với "một vợ, hai con" nhưng tiếng khèn của ông Chứ vẫn làm rung động bao sơn nữ. Nhiều cô vẫn hằng đêm mơ màng, đắm say khi nhớ lại tiếng khèn như “thôi miên” của chàng trai vạm vỡ tựa con báo gấm hoang vu đến từ thung Thèn Pả. Trong số đó, có cô Giàng Thị Mùa (SN 1968) nhất nhất đòi bố mẹ sang nhà ông Chứ xin cho mình về làm lẽ. Từ chối mãi không được, gia đình ông Chứ đành đồng ý. Vậy là ông Chứ có thêm vợ nữa. Đàn ông đào hoa tưởng cũng chỉ đến thế là cùng, nào ngờ cách đây khoảng hơn chục năm, trong một lần vác khèn đi thổi tiễn người trăm tuổi ở Vần Chải về với Giàng, ông Chứ lại khiến một cô ôm quần áo, quầy quả chuyển qua nhà ông ở. Giờ, cả ba bà vợ của ông Chứ cùng với 5 đứa con cùng chung sống trong ngôi nhà nép mình dưới chân Thèn Pả.
Từ ngày Đồng Văn nhóm lên Lễ hội đèn lồng vào các ngày Rằm, mồng một, ông Chứ và các nghệ nhân khác trong vùng được mời về để trình diễn các làn điệu khèn truyền thống của người Mông. Bên cạnh đó, ông Chứ cùng con gái út Giàng Thị Mỷ còn nhận biểu diễn cho một số quán cà phê vào mỗi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Tiền công mỗi đêm cho ông bố là 200.000 đồng, còn cô con gái thì đúng bằng phân nửa. Đó cũng là dịp may hiếm có của gia đình ông Chứ. Bởi ở cái vùng đất cao nguyên này, đá điệp điệp trùng trùng, đá dậy lên như sóng biển, nên chuyện gia đình ông gian nan với áo cơm cũng là lẽ thường tình. Số tiền thu được, ông Chứ thường chia làm bốn, ba phần cho ba bà vợ, phần còn lại ông dằn túi dành tiêu vặt và đóng học cho con.
Đối với người đàn ông rất mực tài hoa và đào hoa của núi rừng Thèn Pả này, giờ điều quan trọng không phải là chuyện "lắm vợ, nhiều con", bởi như ông nói thì "người ta quyết theo mình thì đành phải lấy thôi, chứ lúc đó có biết là pháp luật ngăn cấm đâu?!". Điều ông Chứ trăn trở hơn cả là trong ba người con trai của ông, không ai nối được nghiệp cha. Chỉ duy nhất cô con gái út Giàng Thị Mỷ là có chút ít năng khiếu và niềm đam mê với khèn. Hơn nữa, giờ đám thanh niên trong bản cũng ít người mặn mà với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Mới lớn lên một chút là chúng đã sắm sanh điện thoại, đeo tai nghe nhạc xập xình cả ngày lẫn đêm.
Ông Chứ sợ, một ngày nào đó, khi thế hệ những người già Thèn Pả như ông nằm xuống, thì tiếng khèn Mông, một nét văn hóa rất riêng biệt của vùng đất hoang rậm này cũng bị “chôn” theo. Ấy vậy nên suốt mấy năm nay, dù sức khỏe đã suy giảm đi nhiều, ông vẫn kỳ cụi đi trình diễn khèn khắp miền cao nguyên đá. Ông đi, không hẳn vì chuyện cơm áo gạo tiền, mà phần nhiều là để những mong thắp lên niềm đam mê trong lớp trẻ cũng như để tìm kiếm được truyền nhân. Bởi đối với ông, tiếng khèn không chỉ đơn thuần là đặc sản văn hóa của người Mông, mà nó còn là giá trị của tổ tiên từ ngàn đời xưa để lại. Nếu mất nó thì tiếc lắm thay!