Suy cho cùng, ở đây hận tình chỉ là sự bao biện cho sự ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ, muốn chiếm hữu, lòng tham lam, và khi không đạt được thì tìm cách trả thù.
Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), nghi can đầu tiên, đồng thời là kẻ chủ mưu (theo khai nhận ban đầu của Dương tại cơ quan điều tra) vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước vừa qua - thừa nhận rằng vì hận tình nên mới ra tay giết cả gia đình Lê Thị Ánh Linh (người yêu cũ) để trả thù.
Những thảm án vì tình
12 năm về trước, một “thảm án cuồng ghen” đã xảy ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Vụ án thời đó đã gây chấn động dư luận khi “người thứ ba” nhẫn tâm đặt “bom thư” nhằm ra tay giết hại cả nhà người tình chỉ vị bị “bỏ rơi”. Hậu quả, 3 người trong cùng một gia đình đã tử vong, cháu Nguyễn Văn Thơ tuy thoát chết song bị thương tích đến 94%.
Tháng 4/2013, dư luận bàng hoàng trước vụ chị Phan Thị Hải Yến, 23 tuổi (trú tại quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bị người tình cũ “xử” ngay trên đường phố. Nguyễn Phước Thành đã tưới cả can xăng vào "người yêu" của mình là chị Hải Yến rồi châm lửa đốt. Yến bị bỏng 95%, dẫn đến tử vong.
Tháng 12/2013, một vụ án tình nghiêm trọng lại xảy ra tại Đà Nẵng. Sau khi bị người yêu Trần Thị Triều Tiên nói lời chia tay, Trần Trọng Phú đã mang dao và xăng đến tiệm Thảo Nails (25 Bùi Xuân Phái, Đà Nẵng) - nơi làm việc của Tiên - đuổi chém rồi tưới xăng, lạnh lùng bật lửa thiêu sống, bất chấp sự can thiệp của những người có mặt tại hiện trường. Tiên bị bỏng nặng toàn thân, quằn quại trong đau khổ, tuyệt vọng của người thân, bạn bè trong thời gian ngắn rồi tử vong…
“Yêu thương quá hóa hận thù sâu đậm!”. Nhìn lại, nguyên nhân của nhiều vụ án mạng đã xảy ra cũng chỉ vì chữ “tình” và “hận”.
Yêu thương quá hóa hận thù sâu đậm
“Hận tình”, theo PGS.TS. Nguyễn Hồi Loan - Chuyên gia tâm lý, giảng viên Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trạng thái cực đoan của tình cảm, mà khi đối tượng đặt kỳ vọng quá nhiều nhưng lại không được như mong muốn. Và vì thế, sinh ra tâm trạng xấu xí là “không ăn được thì đạp đổ”, trả đũa, lăng nhục, chẳng hạn như tung clip sex lên mạng, “tra tấn” bằng điện thoại, tin nhắn, thậm chí cao hơn nữa là giết hại lẫn nhau.
“Những người hận tình bản thân không ý thức được hành vi của mình gây ra, chỉ mong muốn cái duy nhất là níu kéo lại cái đã mất, không níu kéo được thì trả thù”, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho biết.
“Hận tình” chỉ là bao biện cho tính ích kỷ!
Theo lời khai của Dương, cách đây 4 năm, Dương và Linh yêu nhau trong một thời gian dài và Dương cũng đã từng ăn ở trong nhà ông Mỹ. Thế nhưng, mối tình giữa Dương và Linh bị gia đình ông Lê Văn Mỹ ngăn cấm.
Gần đây, Dương phát hiện Ánh Linh có người yêu mới nên nảy sinh mối hận tình và muốn tìm cách trả thù. Để thực hiện mưu đồ, Dương rủ Vũ Văn Tiến (bạn làm chung tại xưởng gỗ) tham gia, đồng thời chuẩn bị dao, dây trói, súng điện, súng bắn bi, găng tay, khẩu trang bịt mặt, băng keo... và lên kế hoạch.
Như trên đã nói, lý do mà Nguyễn Hải Dương đưa ra nhằm lý giải cho hành vi tàn độc của mình là vì… hận tình. Thế nhưng, chuyên gia tâm lý, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình nhận định, trong vụ án mạng kinh hoàng tại Bình Phước, “hận tình chỉ là một lý do mà thôi, nó chỉ là cái cớ, chỉ là sự giải thích cho hành vi man rợ của Dương”.
Ông Bình lý giải: “Hận tình hiểu đơn giản là vì tình phụ hay bị lừa dối, bị mất lòng tin, hay niềm tin tuyệt đỉnh thì bị… “rơi tõm”, nói chung là bị ứng xử như không như mong muốn, bị cự tuyệt, bị phản bội… thì mới là câu chuyện hận tình. Xung quanh việc Nguyễn Hải Dương đưa ra lý do hận tình, tất nhiên chúng ta cũng không phải người trong cuộc để có thể phán xét một cách chắc chắn đúng hay không, nhưng rõ ràng rằng hận tình chỉ là một lý do, rất có thể là một trong những nguyên cớ để Dương xuống tay tàn độc như thế. Nhưng xin nhắc lại, đó chỉ là một lý do mà thôi!”.
Dương cũng từng cùng gia đình ông Mỹ đi du lịch, chụp ảnh cùng bé Na Na và em trai của Linh.
Chiếc xe mà Dương chụp ảnh được cho là chiếc xe do Linh thường xuyên lái.
Theo câu chuyện tình cảm mà Dương khai tại cơ quan điều tra, rõ ràng có thể thấy thái độ cay cú ở Dương. Vì sao? Vì từ một người được ông bà Mỹ tin yêu, trao cho cả chiếc xe 7 tỷ đồng đưa đón con gái đi học, ăn ở tại nhà ông bà Mỹ như người nhà, tham gia mọi sinh hoạt cùng với gia đình họ, rõ ràng có thể Dương đã “chắc mẩm” có được một vị trí nào ở gia đình “giầu sang thế phiệt” kia. Thế nhưng, đến “phút chót”, câu chuyện tình giữa Linh - Dương bị ngăn cấm, kéo theo một số chuyện xung quanh xảy ra nữa. Về tâm lý, việc tự nhiên bị mất đi một thứ gì đó mà mình chắc là sẽ có sẽ gây shock cho đối tượng.
“Có thể ban đầu, Dương không hề tính toán khi yêu Linh, nhưng khi nhập cuộc chơi, rất có thể Dương sẽ nhìn ra và tính thêm những điều khác nữa. Tiền bạc, vị trí, danh phận… Và ngay trong quá trình dựng mưu rủ Vũ Văn Tiến tham gia kế hoạch trả thù, như các bạn biết, cũng đâu phải vì hối thúc bằng chuyện hận tình”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói thêm.
Suy cho cùng, ở đây hận tình chỉ là sự bao biện cho sự ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ, muốn chiếm hữu, lòng tham lam, và khi không đạt được thì tìm cách trả thù.
Cần quay về “gốc” gia đình
Quanh câu chuyện “vì hận tình mà trả thù” trong vụ thảm sát ở Bình Phước, bà Lý Hà Thu - Chuyên gia quản trị tâm thế, Tổng Giám đốc Tâm Thế Việt cho rằng: “Đây là vấn đề thuộc về nhận thức”.
Khi con người ta không thích nhau rồi thì có rất nhiều yếu tố về tâm lý sẽ xảy ra. Mà bản chất của mâu thuẫn là mọi người giao tiếp với nhau chưa hiểu nhau chưa đủ, đôi khi thiếu sự đồng hành trong giao tiếp nên có thể dẫn đến hiểu lầm nhau.
Tâm lý con người khi không kiểm soát được cảm xúc của mình sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Mà cảm xúc thúc đẩy hành vi. “Vì thế, nên có những hành vi mất kiểm soát cũng là điều dễ hiểu”, bà Lý Hà Thu giải thích.
Bà Lý Hà Thu, chuyên gia quản trị tâm thế, cho rằng: "Chúng ta cần phải quay trở về gốc. Mọi thứ đều xuất phát từ gia đình”.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm thế Lý Hà Thu nói thêm: “Mức độ của hành vi trong vụ án mạng này bị đi quá giới hạn”.
Hiện nay, có rất nhiều vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến chuyện tình cảm đã xảy ra, đặc biệt là trong giới trẻ. Bà Lý Hà Thu cho rằng, “Chúng ta cần phải quay trở về gốc. Mọi thứ đều xuất phát từ gia đình”.
Con người bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố: người họ chơi, sách họ đọc và môi trường họ sống và làm việc. Với bất cứ ai thì cái gốc cũng là gia đình, họ bị ảnh hưởng rất nhiều từ bố mẹ. Bố mẹ quan tâm đến con cái thì những câu chuyện đau lòng liên quan đến tình cảm như chúng ta đã chứng kiến tận mắt, hoặc qua báo, đài, truyền hình… khó xảy ra; còn nếu như bố mẹ ít để tâm đến con cái thì cũng sẽ “thoát ly” khỏi bố mẹ.
Chuyên gia Tâm Thế Việt kết luận: “Mặc dù ở độ tuổi của Nguyễn Hải Dương, cậu ấy phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình là đương nhiên, nhưng bố mẹ cũng phải chịu trách nhiệm một phần trong việc giáo dục con cái”.