Thẩm phán Lâm Tấn Vinh, Phó Chánh án TAND TP. Sóc Trăng chia sẻ "bí quyết" về nghiệp vụ xét xử

Nguyễn Linh Giang| 13/09/2014 07:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ở hệ thống Tòa án tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Tấn Vinh, Phó Chánh án TAND TP. Sóc Trăng được mệnh danh là “cây sáng kiến”.

Ông Lê Ngô, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng “tiết lộ”: Thẩm phán Lâm Tấn Vinh là người có chuyên môn nghiệp vụ cao, có thâm niên gần 20 năm xét xử các vụ án hình sự, là cán bộ nguồn của Tòa án địa phương.

Chia sẻ “bí quyết” về nghiệp vụ xét xử, Thẩm phán Lâm Tấn Vinh cho biết: Ông được lãnh đạo phân công giải quyết các vụ án hình sự. Trong quá trình công tác, ông đã có những sáng kiến kỹ thuật qua từng giai đoạn giải quyết án. Trước tiên là nghiên cứu hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu hồ sơ, bản thân ông ghi chép những vấn đề cần thiết (lập tiểu hồ sơ). Việc ghi chép những vấn đề cần thiết khi nghiên cứu hồ sơ cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả, bởi vì dù có trí nhớ tốt thì cũng không thể thuộc lòng những tình tiết của vụ án đã được thu thập trong hồ sơ. Nhưng ghi chép như thế nào (nhiều hay ít) là do kỹ năng của từng người và phải bảo đảm trình bày được toàn bộ nội dung và các tình tiết có liên quan đến vụ án mà không cần phải có hồ sơ vụ án. Với cách thức làm việc này, thông thường một vụ án, lượng thời gian sẽ ngắn hơn so với luật định về thời hạn chuẩn bị xét xử: Đối với vụ án ít nghiêm trọng, khoảng thời gian nghiên cứu hồ sơ trong vòng 10 ngày; vụ án rất nghiêm trọng, thời gian nghiên cứu hồ sơ chỉ trong vòng khoảng 15 đến 20 ngày.

Theo Thẩm phán Vinh, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bản thân Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xét thấy, vụ án còn có các vấn đề cần được điều tra bổ sung theo quy định của pháp luật hay không. Thứ nhất, cần phải xem xét chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên tòa. Điều này, bản thân Thẩm phán rất cân nhắc khi đưa ra quyết định sao cho đảm bảo việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đạt hiệu quả bởi, vụ án phải được thu thập đầy đủ chứng cứ nhằm phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, không để việc trả hồ sơ điều tra bổ sung tốn thời gian, lại không có ý nghĩa đối với vụ án. Thứ hai, quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét thấy bị can bị Viện kiểm sát truy tố có dấu hiệu phạm tội khác hoặc có dấu hiệu đồng phạm khác nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lại không khởi tố, truy tố theo quy định pháp luật. Việc đưa ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung ở trường hợp này, Thẩm phán khi ra quyết định có tính đến tình hình tội phạm ở địa phương, tính pháp chế XHCN đảm bảo không khởi tố, truy tố, xét xử oan cho người vô tội, đồng thời không thể bỏ lọt người có hành vi phạm tội. Thứ ba, quá trình nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xét thấy rằng, vụ án được tiến hành từ giai đoạn khởi tố, quá trình điều tra, truy tố không theo đúng quy định, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, nên việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là cần thiết để tiến hành làm lại từ giai đoạn xác định lại vi phạm.

Thẩm phán Lâm Tấn Vinh, Phó Chánh án TAND TP. Sóc Trăng chia sẻ

Thẩm phán Lâm Tấn Vinh, Phó Chánh án TAND TP. Sóc Trăng

Giai đoạn quyết định đưa vụ án ra xét xử và việc cấp tống đạt. Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử để triệu tập những người đến phiên tòa. Đây là vấn đề rất quan trọng và cũng là vấn đề khó khăn của Tòa án hiện nay. Thực tiễn xét xử đã có nhiều trường hợp, người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa do không được triệu tập hoặc tuy Tòa án có triệu tập nhưng người được triệu tập không nhận được giấy triệu tập nên phiên tòa phải hoãn hoặc bản án mà Tòa án đã tuyên bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Để khắc phục tình trạng, người được triệu tập đến phiên tòa vắng mặt không rõ lý do, dẫn đến phải hoãn phiên tòa hoặc nếu xét xử vắng mặt họ là vi phạm tố tụng thì bản thân Thẩm phán phải dự kiến trước các trường hợp bắt buộc phải có mặt, gần đến ngày mở phiên tòa, có thể liên lạc với chính quyền địa phương để kiểm tra xem người được triệu tập đến phiên tòa đã nhận được giấy triệu tập chưa, trong trường hợp họ cần phải được triệu tập. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến vụ án như trách nhiệm dân sự hay xử lý vật chứng đã được làm rõ ở giai đoạn điều tra thì vẫn tiến hành làm việc. Thông thường, những người ở trường hợp này đều làm đơn xin xét xử vắng mặt, có xác nhận của chính quyền địa phương, nộp lại cho Tòa án hay cho cán bộ tống đạt.

Ở giai đoạn xét hỏi, để việc xét hỏi được hợp lý, theo một trình tự nhất định, tránh nhầm lẫn, trùng lặp hoặc bỏ sót, theo Thẩm phán Vinh, Chủ tọa phiên tòa cần chú ý một số điểm quan trọng. Đối với vụ án chỉ có một bị cáo bị truy tố về một tội danh thì việc xét hỏi cần tập trung làm rõ các tình tiết là yếu tố định tội mà Viện kiểm sát truy tố; các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm dân sự, đến xử lý vật chứng... Trong quá trình xét hỏi, không chỉ xét hỏi các tình tiết buộc tội mà phải xét hỏi cả các tình tiết gỡ tội đối với bị cáo. Đối với vụ án tuy chỉ có một bị cáo nhưng bị truy tố về nhiều tội khác nhau thì nên xét hỏi hết hành vi phạm tội này đến hành vi phạm tội khác như đối với một bị cáo phạm một tội và lần lượt cho đến hết các hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

 Đối với vụ án có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội danh khác nhau thì nên xét hỏi từng bị cáo về từng tội danh theo một thứ tự như đối với một bị cáo bị truy tố về một tội danh. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi, cần kết hợp xét hỏi các bị cáo có hành vi liên quan đến nhau về một tội danh và vai trò của từng bị cáo về tội danh mà các bị cáo thực hiện (đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức).

Cuối cùng là giai đoạn tranh luận tại phiên tòa. Trường hợp lời luận tội của Kiểm sát viên có những thay đổi so với bản cáo trạng thì phải nêu lý do của việc thay đổi đó, nếu Kiểm sát viên chưa nêu lý do về việc thay đổi thì Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu Kiểm sát viên trình bày lý do của việc thay đổi đó. Trường hợp bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không đồng ý với lời luận tội thì phải nêu lý do vì sao không đồng ý. Trong khi phát biểu những ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó mà vấn đề đó đã được tranh tụng trong quá trình xét hỏi thì không cần nhắc lại nữa. Những vấn đề cần lưu ý trên nhằm hướng đến phiên tranh luận không kéo dài mà vẫn đảm bảo tính chất tranh tụng khi xét xử. Với thẩm quyền của mình, Chủ tọa phiên tòa mặc dù không được hạn chế thời gian tranh luận nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án, tuy không được hạn chế thời gian tranh luận nhưng có quyền hạn chế số lần phát biểu về ý kiến mà mình không đồng ý. Trường hợp vụ án có nhiều vấn đề, nhiều tình tiết của vụ án có quan điểm đánh giá khác nhau thì kiểm tra có bao nhiêu ý kiến khác nhau về vấn đề đó; đề nghị những người tham gia tranh luận nêu những vấn đề không đồng ý và tranh luận từng vấn đề một. Trường hợp người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự đưa ra những ý kiến đề nghị Kiểm sát viên tranh luận nhưng Kiểm sát viên không tranh luận thì với tư cách là Chủ tọa phiên tòa, với thẩm quyền của mình, Chủ tọa có thể đề nghị Kiểm sát viên nói rõ lý do và việc này phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Thẩm phán Lâm Tấn Vinh là người có gần 20 năm làm Thẩm phán (bổ nhiệm Thẩm phán đầu tiên năm 1995). Ông được sinh ra trong một gia đình cách mạng. Cha là Lâm Trọng Xiêm, tham gia bộ đội, là liệt sỹ; ông ngoại là Văn Ngọc Tố - người thành lập chi bộ đầu tiên ở làng Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, là liệt sỹ, nay tên của cụ được đặt tên cho xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; ông Văn Ngọc Chính (em ruột ông Văn Ngọc Tố) cũng là người tham gia hoạt động cách mạng, từng bị địch đày đi Côn Đảo, sau đó bị địch giết; ở Sóc Trăng nay có tên đường và tên trường mang tên Văn Ngọc Chính. Truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình đã giúp Thẩm phán Lâm Tấn Vinh không ngừng rèn luyện, vươn lên trong công tác, nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Lâm Tấn Vinh, Phó Chánh án TAND TP. Sóc Trăng chia sẻ "bí quyết" về nghiệp vụ xét xử