Thẩm mỹ viện Luxury sử dụng chiêu trò lừa khách hàng là vi phạm pháp luật

PV| 24/03/2017 16:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ dù được cấp phép đủ điều kiện hoạt động nhưng không phải sẽ được thực hiện mọi loại hình phẫu thuật thẩm mỹ mà chỉ được thực hiện một số thủ thuật trong quy định như: cắt mí mắt, xăm mày, xăm môi…

Liên quan đến việc thẩm mỹ viện Luxury (12 Mạc Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) ngang nhiên lấy hình ảnh của người khác để sử dụng vào mục đích quảng cáo dịch vụ, Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Trưởng VPLS Trương Anh Tú) để làm rõ hơn về vấn đề này.

Thẩm mỹ viện Luxury sử dụng chiêu trò lừa khách hàng là vi phạm pháp luật

Các hình ảnh để quảng cáo trên fanpage của Thẩm mỹ viện Luxury đều bị tố lấy cắp 

PV: Thưa luật sư, việc cơ sở thẩm mỹ viện Luxury tự ý lấy hình ảnh của người khác gắn logo thẩm mỹ để quảng cáo về dịch vụ làm đẹp mà không được sự đồng ý của người đó thì bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp này, người bị lấy hình ảnh có thể khởi kiện chủ cơ sở hay không?

Luật sư Trương Anh Tú: Khoản 1, Điều 32 BLDS 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Như vậy, cơ sở thẩm mỹ viện Luxury tự ý lấy hình ảnh của người khác gắn logo thẩm mỹ để quảng cáo về dịch vụ làm đẹp mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh quy định tại BLDS – đây là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân.

Người bị lấy hình ảnh có quyền “yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật” – Trích Khoản 3 Điều 32 BLDS 2015.

Ngoài ra, tuỳ vào nội dung hình ảnh mà người vi phạm có thể bị truy tố theo Bộ Luật Hình sự theo các điều như phát tán văn hóa phẩm đồi trụy hoặc tội làm nhục người khác…

PV: Hiện nay các cơ sở thẩm mỹ viện phải tuân thủ những quy định pháp luật hiện hành nào?  Việc  xử phạt đã đủ tính răn đe?

Luật sư Trương Anh Tú: Kinh doanh thẩm mỹ viện, spa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bắt buộc phải có giấy phép hành nghề. Ngoài việc tuân thủ các quy định chung của Bộ Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật khám bệnh, chữa bệnh… thì các Thẩm mỹ viện, spa còn bị điều chỉnh bởi một số quy định:

+ Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Thông tư 41/2015/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 41/2011/TT-BYT;

+ Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế;

+ Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Các văn bản trên đều quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ, phạm vi hoạt động, trách nhiệm của các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ…

Có thể khẳng định, hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định tương đối đầy đủ để cơ quan chức năng có thể quản lý loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, để hạn chế việc các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ được mở và phát triển tràn lan như hiện nay thì nhà nước cần siết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động và số lượng các trung tâm thẩm mỹ cũng như cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Bởi mức phạt hiện nay còn nhẹ so với lợi nhuận khủng cũng như nhẹ so với hậu quả mà các thẩm mỹ viện gây ra.

Thẩm mỹ viện Luxury sử dụng chiêu trò lừa khách hàng là vi phạm pháp luật

Luật sư Trương Anh Tú

PV: Theo luật sư, các cơ sở thẩm mỹ viện có được phép sử dụng các thủ thuật phẫu thuật tạo hình nâng mũi, nâng ngực, độn cằm, xăm môi cho khách hàng? Để được phẫu thuật tạo hình, cần phải có những điều kiện nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo quy định tại Điều 37, Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì: “Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm” và phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự, giấy phép hoặc văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động.

Tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Như vậy, các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ dù được cấp phép đủ điều kiện hoạt động nhưng không phải sẽ được thực hiện mọi loại hình phẫu thuật thẩm mỹ mà chỉ được thực hiện một số thủ thuật trong quy định như: cắt mí mắt, xăm mày, xăm môi… (tiểu phẫu đơn giản). Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, hút mỡ đùi, nâng ngực… tuyệt đối không được phép thực hiện tại thẩm mĩ viện. Đây là những kỹ thuật buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như: phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu...

PV: Đối với các cơ sở thẩm mỹ viện tập trung quảng cáo quá đà rầm rộ các hàng hóa dịch vụ trong khi chưa được cơ quan nhà nước có thầm quyền thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Các cơ sở thẩm mỹ viện tập trung  quảng cáo quá đà rầm rộ các loại dịch vụ trong  khi chưa được cơ quan nhà nước có thầm quyền cấp phép theo quy định tại Khoản 6, Điều 29, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;

b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”;

Ngoài ra, hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh… gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác còn là tội phạm được quy định tại điều 242 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù lên tới 15 năm, bên cạnh đó người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

PV: Nhìn nhận từ thực tiễn xã hội, luật sư có đánh giá như thế nào về các cơ sở thẩm mỹ viện hiện nay.

Luật sư Trương Anh Tú: Hiện nay có thể thấy tình hình phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ ở mọi lứa tuổi và tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ.  Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Ở góc độ nào đó, nhu cầu làm đẹp của con người trong xã hội sẽ là thước đo đánh giá chất lượng của cuộc sống, mức độ phát triển của xã hội đó. Nói chung, nhu cầu làm đẹp dù ở cấp độ nào đối với mỗi cá nhân có nhu cầu thì nó cũng không xấu. Nhưng nếu như việc làm đẹp hoặc cung cấp dịch vụ làm đẹp bằng các biện pháp, phương pháp có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của con người thì đây không chỉ còn là vấn đề của cá nhân mỗi người nữa mà nó là vấn đề của các cơ quan nhà nước trong việc đào tạo chuyên môn, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp và quản lý hoạt động của các cơ sở này.

Vấn đề mấu chốt rất quan trọng mà mọi người thường ít để ý hoặc không quan tâm là Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ có thể có rất nhiều nhưng phạm vi được phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ của các phòng khám này rất hạn chế, chủ yếu họ chỉ được phép thực hiện các hoạt động như: Tạo má lúm đồng tiền, xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa  ở vùng mặt, vùng cổ; Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai (Thuật ngữ chuyên môn gọi là tiểu phẫu).

Đặc biệt các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; hút mỡ, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể (Đại phẫu). Hoạt động đại phẫu chỉ có các bệnh viện thẩm mỹ có đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được phép làm.

Do vậy, khi có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ thì mọi người cần hết sức lưu ý tìm hiểu thật kỹ thông tin về phạm vi hoạt động của phòng khám, trung tâm hoặc bệnh viện dự định tới để làm phẫu thuật. Trước khi thực hiện phẫu thuật các bệnh viện và phòng khám thường yêu cầu người làm phẫu thuật hoặc đại diện hợp pháp của người làm phẫu thuật ký cam kết, nên mọi người cần phải xem kỹ các điều khoản về kinh phí phẫu thuật, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trước khi ký cam kết, tránh các diễn biến khó lường khi có hậu quả xảy ra.

Sau khi báo Công lý đăng tải bài viết: “Thẩm mỹ viện Luxury: Những chiêu trò lừa đảo khách hàng”, trên website của cơ sở này đã thực hiện việc gỡ bỏ một số hình ảnh quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm mỹ viện Luxury sử dụng chiêu trò lừa khách hàng là vi phạm pháp luật