Tham mưu "sáng nắng chiều mưa"

Biên Thùy| 25/03/2020 16:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xin hoãn việc tạm dừng xuất khẩu gạo. Đáng nói, trước đó chính Bộ này đưa ra đề xuất tạm dừng.

Việc thay đổi xoành xoạch của Bộ Công Thương khiến dư luận bất ngờ đến khó hiểu.

Trước đó, ngày 23/3, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Công Thương đã có đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Thủ tướng kết luận hoãn xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5 và yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngừng mở tờ khai thông quan từ 0h ngày 24/3.

Thế nhưng sau đó chỉ một ngày, sau khi Thủ tướng đồng ý và Văn phòng Chính phủ có ý kiến truyền đạt về việc này thì ngày 24/3, Bộ Công Thương lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ "hoãn tạm dừng xuất khẩu gạo".

Bộ Công Thương giải thích cho sự bất nhất này là có thể có độ vênh về số liệu thực tế giữa sản lượng gạo còn tồn trong dân và số liệu mà Bộ nắm được nên đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thêm thời gian để xác minh lại và có phương án điều hành tốt nhất. 

Được biết, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương "nghiêm túc rút kinh nghiệm trong tham mưu" sau khi nhận văn bản "bẻ lái" 180 độ đóng dấu đỏ chót của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. 

Tạm không lạm bàn đến văn bản đề xuất này của Bộ Công Thương mà hãy nhìn nhận thực tế vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Thông tin độc giả cần nắm được rằng, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh, trong đó có Trung Quốc. 

Chính lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Ở thời điểm nhất định, trong nước đã xảy ra tình trạng người dân mua lương thực dữ trữ cục bộ. Mặc dù đó chỉ là một hiện tượng nhất thời nhưng buộc nhà nước phải có chiến lược căn cơ, có kịch bản đề phòng rủi ro, bất chấp Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ đã rất rốt ráo chỉ đạo phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng hàng năm, tăng cường dự trữ. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo".

Hơn lúc nào hết, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 lan tràn khắp thế giới, viễn cảnh khủng hoảng an ninh lương thực cũng nên được xem như một nguy cơ tiếp theo có thể xảy ra.

Trở lại với ý kiến đề xuất xin "hoãn tạm dừng xuất khẩu gạo" và cái lý do mà Bộ Công Thương đưa ra là để rà soát, kiểm kê, đong đếm lại cho thấy, cơ quan này chưa thực sự trách nhiệm trước một vấn đề hiện rất cấp thiết. Thay vì nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm hiểu cẩn trọng trước khi đưa ra ý kiến tham mưu cho Thủ tướng thì Bộ Công Thương lại tỏ ra hời hợt, bộp chộp thò ra thụt vào.

Cấm tiệt kiểu tham mưu "sáng nắng, chiều mưa, trưa ẩm ướt" như Bộ Công Thương cũng coi là việc phải làm ngay vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham mưu "sáng nắng chiều mưa"