Để phòng ngừa và ứng phó với cơn bão số 3, lãnh đạo các tỉnh Thái Bình, Nam Định đã ra công điện khẩn phòng chống bão trên toàn địa bàn.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 18/8, bão số 3 nằm trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), với sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8, giật trên cấp 10-11.
Sáng mai, ngày 19/8, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh-Nghệ An). Vùng ven biển Quảng Ninh-Thanh Hóa có nước dâng cao, bão kết hợp thủy triều cao 3-5m, rủi ro thiên tai ở cấp 3.
Để tránh những thiệt hại như cơn bão số 1 vừa qua gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thái Bình, Nam Định đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó.
Chủ tịch UBND các tỉnh trên đã yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đồng thời theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình tàu thuyền trên biển để kịp thời thông báo đến các chủ phương tiện biết hướng đi, diễn biến của bão; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp bảo đảm an toàn trong bão. Kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, chủ động di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Tích cực thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão và sự chỉ đạo của các cấp, ngành trên hệ thống thông tin truyền thanh, truyền hình để người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh, không để xảy ra tư tưởng coi nhẹ, chủ quan.
Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu 2 huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy khẩn trương di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ sinh sống ngoài đê chính, số ngư dân trên các phuơng tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào đê chính, không để bất cứ người nào ngoài đê chính khi bão đổ bộ.
Đến 10h sáng ngày 17/8, tỉnh Thái Bình đã kêu gọi được 1.293 tàu, thuyền với 3.456 lao động khai thác thủy sản trên biển vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại Nam Định, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có công điện yêu cầu, các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và tình hình mưa, lũ để chủ động ứng phó.
Các huyện, thành phố tập trung tiêu rút nước đệm, nhất là những vùng trũng thấp, chủ động chống úng cho diện tích lúa mới cấy đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 1 và bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản.
Trước đó, cơn bão số 1 đổ bộ vào tỉnh Nam Định làm có 8 người bị thương; tổng thiệt hại ước tính trên 3.100 tỷ đồng.