Khi nước lớn, thác Hiêu đổ xuống ầm ầm, nước từ màu xanh đổi thành màu trắng đục như nước gạo. Do núi đá vôi bị nước xói mòn, những đá non tan ra. Mỗi độ thu sang, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh, nhẹ nhàng róc rách như người thiếu nữ xõa tóc.
Thác Hiêu thuộc địa phận làng Hiêu, xã Cổ Lũng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), được công nhận là danh thắng cấp tỉnh năm 2015 nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây là điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách nước ngoài ưa du lịch khám phá trong vài năm nay. Cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến làng Hiêu rất đẹp bởi hai bên là cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Hiêu trong tiếng Thái có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra đúng với địa thế thôn Hiêu và thác Hiêu đang tọa lạc.
Thác Hiêu quanh năm nước chảy, lúc nước trắng xóa, lúc lại trong xanh
Men theo con đường mòn nhỏ uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang, ngắm nhìn những bóng dáng ngôi nhà sàn thấp thoáng, không biết từ lúc nào tiếng nước róc rách từ xa đã lọt vào tai du khách. Đi theo tiếng nước chảy, chỉ cần đi khoảng 1 km nữa là thác Hiêu sẽ hiện ra giữa đại ngàn với những dòng nước trong vắt. Nếu đi ngược dòng nước, phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ vừa leo núi, vừa lội thác thì mới lên đến đỉnh thác. Những vách đá ở đây tạo ra hàng chục tầng thác, khi nước đổ tung bọt trắng xóa. Do nguồn nước chảy ra từ trong sâu nên mát lạnh về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Thác Hiêu không giống như những thác nước khác, thác không có bùn và không bị trơn do rêu rất khó mọc trên nền đá vôi. Đây chính cũng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho bà con vùng lân cận, nên đã từ lâu trong tiềm thức của người dân, thác Hiêu có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng.
Khung cảnh thanh bình, nên thơ đường vào bản Hiêu đốn tim du khách
Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, nhưng cũng tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối. Nhiều lúc trời mưa to, dòng nước trắng xóa bột đá vôi. Chính đặc tính lạ này đã khiến những cây cối, đồ vật gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá.
Nơi khởi nguồn của dòng suối Hiêu là từ một hang đá thuộc dãy núi đá hùng vĩ của khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông – Cúc Phương, là mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái Karst, là khu vực đất thấp duy nhất còn lại rừng sinh cảnh núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam. Theo người dân trong vùng suối chảy quanh năm không bao giờ cạn.
Con người nơi đây hiền hòa, nếp nhà sàn thơ mộng như được trở về tuổi thơ
Mùa mưa lũ, thác gầm réo, nước từ màu xanh đổi thành màu trắng đục như nước gạo, nước đậu nành. Do núi đá vôi bị nước xói mòn, những đá non tan ra mà tạo nên lượng vôi lỏng lớn như vậy. Những ngày không bão tố, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh, nơi nhẹ nhàng róc rách, nơi nước trút ầm ầm vô cùng thi vị. Khi những dòng nước bị gạt ra, những khố đá lồ lộ khoe nhiều loại hình hài độc đáo. Những phiến đá sạch trơn như vùng trán hói, chỗ lại nhô ra như sự khát khao, lúc lại gối lên nhau ào ạt. Thu sang, lá rừng đổi sắc, thác Hiêu cũng được điểm tô bằng màu vàng và rang rộng đón lấy những chiếc lá xa cành, bắt đầu cuộc hành trình khám phá nơi cuối nguồn.
Chiều dài dòng thác khoảng 800 m, nếu nhìn từ đỉnh, dòng nước chảy đến lưng chừng núi thì tách ra thành 2 nhánh, đổ về 2 hướng khác nhau và hợp lại ở cuối dòng. Ngay phía ngoài chân thác còn có một hố nước khá rộng. Sau một hồi lội thác trở về, du khách nên ra đây tắm rửa. Mực nước ở đây chỉ hơn 1 m, phía dưới là cát nên ai ưa mạo hiểm có thể thỏa sức bay nhảy. Ở nơi suối Hiêu đổ nước về những mảnh ruộng bậc thang thì nước khá hiền hòa, nhưng càng đi ngược lên đầu nguồn thì độ dốc càng lớn, tạo thành dòng chảy mạnh. Nước suối trong, mát lạnh mùa hè và ấm mùa đông.
Món vịt Cổ Lũng nức tiếng thơm ngon, ngọt mền tận xương
Đến với thác Hiêu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc địa phương như: cơm lam, măng rừng, vịt Cổ Lũng… Những món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng rất được du khách ưa chuộng vì lý do vịt được người dân nơi đây nuôi thả trên những cánh đồng, con suối ở bản, ăn rất thơm ngon và ngọt thịt.
Vừa qua, UBND huyện Bá Thước đã tổ chức lễ công bố quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch thác Hiêu, xã Cổ Lũng. Khu du lịch thác Hiêu có tổng diện tích 200 ha (nằm trên địa bàn 4 bản của xã Cổ Lũng gồm: bản Hiêu, bản Ấm, bản Lác và bản Khuyn) là khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa, với các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, trên cơ sở khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch và liên kết với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước.
Theo quy hoạch, Khu du lịch thác Hiêu sẽ có các phân khu chức năng bao gồm: khu đón tiếp và điều hành dịch vụ; khu resort và nghỉ dưỡng; hồ nhân tạo và khu vui chơi giải trí; khu thể thao mạo hiểm; khu trải nghiệm văn hóa cộng đồng; khu trải nghiệm thiên nhiên và cộng đồng; khu bảo tồn cảnh quan thác Hiêu; khu vực rừng đặc dụng kết hợp du lịch sinh thái. Ngoài ra, khu du lịch thác Hiêu còn có đầy đủ hạ tầng về điện, nước sạch, hệ thống thoát nước bảo đảm; khu vực tập kết, thu gom rác thải, chất thải.. Tổng nhu cầu cầu vốn đầu tư cho khu du lịch thác Hiêu dự kiến khoảng 226,9 tỷ đồng trong đó giai đoạn đầu là 60,9 tỷ đồng và giai đoạn còn lại là 166 tỷ đồng.
Đây sẽ là tiền đề, căn cứ pháp lý cho việc thu hút đầu tư vào Khu du lịch thác Hiêu, phấn đấu đưa khu du lịch này trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với du khách trong và ngoài nước. Để “cô gái Hiêu” nhẹ bước từ chiều thu lá rụng ra thành điểm nhấn đậm nét của du lịch khu vực miền núi xứ Thanh.