Tết về, thương hương lá mùi già chiều cuối năm

Thảo Nguyên| 14/02/2018 16:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 30 Tết, bên cạnh nồi bánh chưng đang nghi ngút khói còn có nồi nước mùi già cũng chờ sôi để mọi người trong nhà dùng làm nước tắm. Hương lá mùi già thoang thoảng vào chiều cuối năm góp thêm nét đặc trưng của Tết, khiến mỗi người cảm thấy thư thái.

Cứ đến 27, 28 tháng Chạp, khi không khí Tết đã ùa tràn vào trong mỗi nếp nhà, dù việc dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng có bận rộn đến mấy, những bậc cao niên trong gia đình vẫn không quên nhắc con cháu mua lá mùi già về nấu nước để cả gia đình tắm trong chiều tất niên.

Hương lá mùi già chiều cuối năm khiến người với người gần nhau hơn, thân ái hơn, làm người ta tĩnh tâm sau bao mệt mỏi của cuộc sống mưu sinh. Gọi là hoa mùi, thì dĩ nhiên phải có cái mùi đó ắt hẳn phải dễ nhớ, dễ cảm nhận và đặc trưng lắm. Hoa mùi không thơm như hoa nhài, hoa huệ, lãng mạn như hồng, như ly, khiến người đời ngất ngây. Hoa có mùi thơm hăng hắc, ngai ngái nhưng đậm đà, lưu luyến... Thật chẳng dễ tả chính xác được mùi của loài hoa này, nhưng dám chắc, đó là thứ hương đậm đà quyến luyến, và cảm giác vô cũng dễ chịu.

Tết về, thương hương lá mùi già chiều cuối năm

Xe lá mùi lưu luyến chiều cuối năm. Ảnh minh họa

Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua. Được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.

Nhớ khi bé, dù rét đến mấy, chiều 30 Tết mẹ cũng gọi lũ trẻ chúng tôi ra tắm, dội lên người thứ nước hăng hắc, trên da dính đầy mùn hoa cây mùi già. Bà nội bảo, tắm để tẩy uế, người phải sạch thì đón năm mới sẽ không bị dông, ma quỷ không đến gần mình được. Lũ trẻ chúng tôi thấy sợ nên để yên cho mẹ tắm thôi, chứ đâu biết rằng đấy là một phong tục đẹp, một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Và cũng đâu ngờ điều giản dị ấy ngấm vào tâm trí mình lúc nào không hay. Bao nhiêu năm trôi qua là bấy nhiêu lần tắm tất niên. Để có những người phải ăn một cái Tết tha phương mới thấy ký ức mình chảy về bên mẹ, cơ thể mình thèm nhớ cái mùi lá tắm hăng nồng quen thuộc.

Và đấy, bà chị họ ở trời Tây bao nhiêu năm, dùng không thiếu loại nước hoa gì, nhưng vẫn gọi điện về bảo, giá mà được gửi sang cho nắm lá xông thì tốt. Ai mà gửi được mùi quê hương qua hàng triệu cây số được!

Chiều cuối năm, xe mùi già dừng những nhịp quay, đỗ lại bên hè phố. Các bà, các mẹ tíu tít vây quanh, chẳng mấy chốc đã gần hết cả xe hoa mùi. Những ngày Tết, mùi già bán chạy hơn rau ngoài chợ, hơn cả đào quất bởi gia đình nào cũng mua ít nhất vài bó về nấu nước tắm cuối năm cho cả gia đình. Hương thơm ngai ngái, dìu dịu và trầm ấm của mùi lan tỏa khắp con phố, xoa dịu bớt cái lạnh của mùa đông.

Về quê, chen giữa tiếng cười nói, hỏi han rồm rả của những người hàng xóm láng giềng với cô con gái đi làm xa mới về, một giọng luống tuổi cất lên: “Thôi, để cho cháu nó còn về tắm rửa, sửa sang đón tết. Đây bà cho một nắm lá mùi về tắm "tẩy trần". Tí bà lại ra vườn cắt tiếp!”.

Cứ thế, mùi hương của nước lá thơm đôi khi còn gợi lên ký ức êm đềm trong tâm trí mỗi người. Đó là mùi của sự chăm sóc, của tình yêu thương từ hơi ấm của bà, của mẹ. Một thứ mùi vị đặc trưng của đồng đất quê hương sẽ mãi lưu luyến, vương vấn trong cả năm để nhắc nhở mọi người về cội nguồn, về gốc rễ.

Có đôi lúc tôi còn ngẩn ngơ nghĩ rằng, vào một lúc nào đó, không còn hương lá mùi già thì còn gọi là Tết nữa hay không? Tết với tôi, ngoài hoa đào để ngắm, ngoài bánh chưng để ăn, còn phải có lá mùi già nữa, vì đó mới là mùi của mùa xuân, mùi của Tết!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết về, thương hương lá mùi già chiều cuối năm