Tết Thanh Minh, ngày thể hiện đạo hiếu của con cháu

Mai Hiền| 03/04/2018 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân ngày tết thanh minh 2018, để hiểu rõ thêm về ngày này, chúng ta hãy cùng nghe chia sẻ của nhà nghiên cứu tâm linh và phong thuỷ Linh Quang.

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân…”

(Trích Thơ Nguyễn Du)
              

Tết Thanh minh là một ngày lễ cổ truyền của người Việt, tuy không phải là cái tết lớn như Tết Nguyên Đán nhưng lại gắn liền với đạo hiếu nghĩa của con cháu tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên. Chính vì vậy, ngày này mang giá trị văn hóa và tinh thần nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn, hợp với thuần phong mỹ tục, nét đẹp và cũng là nét độc đáo đặc sắc của nền văn hoá tâm linh người Việt. 

Tết Thanh Minh, ngày thể hiện đạo hiếu của con cháu

Ảnh minh họa

Vào ngày Tết Thanh minh, ngày được xem như là ngày hội của các gia đình người Việt, mọi người thường tổ chức tụ họp để đi làm lễ tảo mộ, thăm viếng và dọn dẹp mộ phần của ông bà tổ tiên mình. Vì là ngày hội, ngoài việc thăm viếng tổ tiên, còn là dịp để đi du xuân, đi hành hương trong không khí vui tươi phấn khởi.

Ngày thanh minh là 1 trong 24 tiết khí (tính theo lịch tiết khí). Chính vì tính theo lịch tiết khí nên tiết thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch cho đến hết 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Ngày đầu tiên của tiết được xem là Tết Thanh minh. Năm 2018, tiết thanh minh sẽ rơi vào ngày thứ 5 (bắt đầu), dương lịch là 5/4, âm lịch là ngày 20/2, là ngày Minh đường hoàng đạo (rất tốt).

Tết Thanh Minh, ngày thể hiện đạo hiếu của con cháu

Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh minh. “Thanh” có nghĩa là trong, “Minh” có nghĩa là sáng. Vì vậy Tiết thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết nhất, minh chứng cho tấm long đạo hiếu sắt son của con cháu khi thành tâm, thành ý hướng tới ông bà tổ tiên của mình. Đây là phong tục đẹp thể hiện rõ truyền thống hiếu kính tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc Việt Nam.

Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh là ngày Tết Thanh minh, tức ngày 5/4 là ngày Tết Thanh minh của năm 2018. Theo dân gian, Tết Thanh Minh được coi là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên. Thông thường, các gia đình luôn chuẩn bị một số lễ vật trước một ngày đi cúng mộ bao gồm một bộ tam sinh, nhang đèn, giấy ngũ sắc, quần áo giấy, vàng mã, và hoa quả tươi… để đi tảo mộ. Khi ra đến mộ phần của người đã khuất, con cháu sẽ lau chùi, dọn dẹp xung quanh, quét lá, làm cỏ các phần mộ… sau đó cúng khấn bài khấn thể hiện lòng biết ơn, nhớ tới cội nguồn, và hóa vàng mã cho người đã khuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Thanh Minh, ngày thể hiện đạo hiếu của con cháu