Tết cổ truyền là thời dịp để đoàn tụ gia đình và người thân, nhưng đối với các chiến sĩ biên phòng, Tết là những ngày bám biên, giữ vững nhiệm vụ bảo vệ biên cương, mang đến một mùa xuân yên bình cho Tổ quốc.
Đến Đồn Biên Phòng Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) vào dịp cuối năm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ đang căng mình làm nhiệm vụ bám biên với quyết tâm bảo vệ biên cương, phên giậu Tổ quốc.
Tết xa nhà của chiến sĩ trẻ vùng biên
Trò chuyện với PV, Trung uý Dương Mạnh Quyết (SN 1994), đội phó phòng chống ma tuý và tội phạm (PCMT và TP) Đồn Biên Phòng Tả Gia Khâu cho biết: “Năm nay quân số ở lại trực Tết là 70%, những đồng chí còn lại được nghỉ Tết từ ngày 28 đến ngày mùng 2 Tết. Đối với những cán bộ, chiến sĩ nào cách xa nhà trên 300km thì được tạo điều kiện nghỉ đến ngày mùng 5 Tết. Anh em chúng tôi thường được đơn vị tạo điều kiện cho ăn Tết sớm từ ngày 25. Ngoài ra, đơn vị cũng tặng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ một phần quà nhỏ về gia đình. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và bộ chỉ huy Quân sự địa phương, chúng tôi đã có một cái Tết vui vẻ và ấm áp”.
Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, đội phó PCMT và TP chia sẻ: “Tôi mới về đồn công tác được gần một năm và đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa gia đình. Đón một cái Tết xa nhà, tôi cũng có nhiều tâm trạng, nhớ bữa cơm gia đình đoàn tụ vui vẻ rồi lại thương bố mẹ rất nhiều. Nhưng bố mẹ gọi lên động viên, luôn căn dặn tôi phải giữ vững bản lĩnh của người chiến sĩ Biên phòng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trên hết, bố mẹ tự hào về việc làm của mình, điều đó là sự động viên, khích lệ to lớn đối với tôi”.
Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai)
Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương) quản lý hơn 10km đường biên giới, thuộc 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Nơi đây từng được ví như "Trường Sa trên cạn" bởi sự khắc nghiệt của thời tiết và những khó khăn do thiếu nước sinh hoạt, đất đai đang bị sa mạc hoá.
Từ thành phố Lào Cai tới đồn Tả Gia Khâu phải vượt qua chặng đường dài hơn 80km đường núi, vách đá cheo leo, ngoằn ngoèo chưa kể đến mây mù dày đặc. Đoạn lên tới xã Tả Gia Khâu chủ yếu là đường đất. Vào mùa này ít mưa, bụi đất mù mịt, vào mùa mưa những con đường trở nên lầy lội, xe liên tục chìm bánh, trơn trượt. Người nào không chắc tay lái sẽ dễ dàng bỏ cuộc.
Địa bàn gồm 2 xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin, địa hình vô cùng hiểm trở, nhiều núi cao, vực thẳm. Đây là điểm cuối cùng của Mường Khương, tiếp giáp huyện Si Ma Cai, bước qua sông Xanh là tới Vân Nam (Trung Quốc). Dân cư chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, hoạt động qua lại, giao thương giữa hai bên quốc gia diễn ra thường xuyên nên tình hình an ninh biên giới rất phức tạp.
Trong những ngày gần Tết Nguyên đán, các cán bộ, chiến sĩ tại Đồn Tả Gia Khâu phải thường trực 24/24 giờ, bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý những diễn biến phát sinh ngay từ cơ sở và phối hợp thực hiện các phương án, tuần tra kiểm soát giữ gìn an ninh trật tự.
“Ở độ cao hơn 1.300m so với mặt nước biển, xuất phát điểm thấp trên tất cả các lĩnh vực, địa hình rộng, điều kiện tự nhiên biến động phức tạp, nhất là thiên tai, hạn hán, bão lốc liên tục xảy ra, chưa kể giao thông bất thuận, đời sống của 6 dân tộc thiểu số của 25 tại hai xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin cực kỳ khó khăn. Cả hai xã có 981 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu nhưng số hộ nghèo chiếm hơn 90%. Ngoài việc thường xuyên phải tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự, đơn vị cũng có nhiều hoạt động về công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là về dân số kế hoạch hoá gia đình, cùng bà con tham gia và hoạt động sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân”- Trung uý Dương Mạnh Quyết cho biết.
Với phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng nói, cùng ở, cùng làm), màu áo xanh của những chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu đã trở nên quen thuộc, thân thương với bà con nơi vùng đất được ví như “Hoàng Sa trên cạn” này.
Khắc phục khó khăn
Nói về những khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ đồn Tả Gia Khâu khi công tác tại địa bàn, đội phó PCMT và TP Dương Mạnh Quyết chia sẻ: “Cái khó khăn nhất cản trở hoạt động của chúng tôi là địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt. Hơn 10km đường biên, nhưng để đi hết quãng đường này, chúng tôi phải mất tầm nửa tháng. Những nơi này chủ yếu là các vách đá dựng đứng, cheo leo, nhiều vực thẳm, hễ sảy chân một cái là nguy hiểm đến tính mạng. Chưa kể vào mùa đông như thế này, nhiệt độ hạ xuống rất thấp, chỉ tầm 6-7 độ, có hôm còn xuống tới 1-2 độ, rét thấu xương. Mây phù giăng kín trời. Chính vì vậy, đơn vị đã chia nhỏ quân số để tuần tra theo chặng, đảm bảo luôn có lực lượng ở từng cột mốc biên giới”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Tả Gia Khâu cùng với nhân dân duy tu bảo vệ đường ống dẫn nước. (Ảnh: Nguyễn Trọng Mạch)
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Lào Cai nói chung, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu nói riêng, vùng đất biên cương Tả Gia Khâu đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, diện mạo mảnh đất “Hoàng Sa trên cạn” này đã đổi thay rất nhiều. Tỉ lệ người dân biết đọc, biết viết chữ tăng lên. Các lớp học xoá nạn mù chữ với các học sinh đủ lứa tuổi mở ra ngày càng nhiều. Người dân biết đọc, biết viết chữ từ đó có thể dễ dàng tìm hiểu pháp luật và các kiến thức đời sống khác. Bên cạnh đó là các kiến thức về kĩ thuật sản xuất, chăn nuôi cũng được các chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu phổ biến cho người dân nơi đây. Nhờ vậy mà chất lượng đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt.
Nhiều hủ tục lạc hậu của đồng bào ở đây như tảo hôn, ma khô, chữa bệnh bằng thầy mo… đã giảm đáng kể nhờ vào sự tuyên truyền của các chiến sĩ. Người dân đã dần bỏ đi những hủ tục, xây dựng đời sống văn hoá mới. Nhiều năm nay, đường biên được quản lý an toàn, không có hiện tượng xâm canh, xâm cư giữa cư dân nước ta và nước bạn, an ninh trật tự địa bàn luôn bảo đảm… Có được kết quả này là nhờ nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ, chiến sĩ.
Một nhiệm vụ "đặc biệt" ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ giữ gìn nguồn nước trong vùng phục vụ đời sống, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân các thôn, bản lân cận. Với địa hình chia cắt mạnh, rửa trôi xói mòn, địa chất đặc thù núi đá nhiều hơn đất, nên tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Xã vùng cao này vẫn còn tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, lao động sản xuất người dân. Để có nước cho sinh hoạt hàng ngày, người dân nơi đây phải đi gánh nước ở những mạch lộ, khe đá cách chừng 4km. Đường đi dốc cao hiểm trở, người dân cũng chỉ có thể mang nước về đủ dùng cho sinh hoạt tối thiểu.
Các chiến sĩ trong Đội thường trêu nhau rằng phải đi “săn nước”. Việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên nước, hay xa hơn nữa là công cuộc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc được các cán bộ, chiến sĩ của Đồn chú trọng. Bên cạnh việc gìn giữ bảo vệ các đường ống dẫn nước, các chiến sĩ trong Đội phải đi tìm những nguồn nước mới để phục vụ cho sinh hoạt của cả Đội và người dân địa phương.
Vào những ngày trời hanh khô, họ mặc áo mưa bên ngoài. Khi nhìn thấy vậy, ai cũng cảm thấy buồn cười nhưng đây chính là cách hữu hiệu nhất để tránh bụi, quần áo không bị đổi màu. Việc giữ nước ăn mà phải nhịn tắm là việc thường xuyên diễn ra trong đơn vị.
Có thể nói, để bảo vệ vùng bình yên nơi phên giậu Tổ quốc, các chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu đã phải khắc phục khó khăn, vất vả trăm bề. Những việc làm tình nghĩa của các chiến sĩ đã làm ấm lòng đồng bào các dân tộc, tạo dựng một niềm tin mãnh liệt. Những bông hoa hoà bình đang nở rộ trên mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc, tất cả đều nhờ vào sự hy sinh thầm lặng, không quản hiểm nguy của các chiến sĩ, bộ đội cụ Hồ thời bình.