Tết của "liệt sỹ" trở về sau 42 năm báo tử

Nguyễn Đình Kim Cương| 19/02/2015 13:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 30 Tết chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Chánh Nhường-"Liệt sỹ" trở về sau 42 năm báo tử. Nhờ sự chăm sóc tận tình của người nhà, sự quan tâm của các cấp chính quyền, ông đã khỏe mạnh hơn, có một cái Tết ấm cúng, ký ức trong ông dần hiện về.

Ký ức lóe sáng

Chiều 30 Tết, mưa mỗi lúc một thêm nặng hạt, trên QL1A, cái ồn ào, hối hả, cái tất bật vội vàng của chiều muộn ngày cuối năm đã vãn, ai nấy đều bỏ lại công việc để về quây quần bên mâm cỗ tất niên, thành kính thắp nén hương thơm rước đón ông bà. Mùi trầm, mùi hương thơm tỏa ra từ các ngôi nhà ấm cúng, tiếng trẻ reo vui, tiếng người lớn chào hỏi nhau rộn rã, tiếng đám thanh niên chúc tụng, tiếng cốc chạm vào nhau lạch cạch, tất cả tạo nên một khung cảnh vui nhộn. Mặc cho quãng đường trơn như mỡ, chúng tôi vẫn quyết đội mưa đưa Tết đến cho ông Nhường - Liệt sỹ trở về sau 42 năm báo tử.

Vượt qua một quãng đường lầy lội, khi vào đến sân ông Nghiêm (Anh ruột ông Nhường) trời bỗng nhiên tạnh ráo. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một ông Nhường hoàn toàn khác với mấy ngày trước. Trên người ông mặc một bộ quần áo mới tươm tất, dáng vóc có vẻ nhanh nhẹn hoạt bát hơn, ông đang cúi lom khom ngoài vườn chăm sóc luống rau. Nghe tiếng chúng tôi chào, ông ngẩng lên nở nụ cười tươi rói bỏ công việc định bước lên sân.

Tết của

Ông Nhường đang chăm sóc vườn rau

Thấy dáng đi của ông vẫn còn mệt mỏi, tôi vội nhảy qua hàng rào, xuống vườn dìu ông lên. Nhìn thấy chiếc bánh tét trên tay chúng tôi, ông mừng rỡ kêu lên: "Úi chà, đây mới thật là Tết, hôm qua đến giờ cũng có mấy đoàn đến cho quà, nhưng chưa ai cho bánh, cho giò, cho lụa cả, thích quá".

Vừa nhận quà, ông vừa nắm tay chúng tôi cảm động: "Quý hóa quá, cảm ơn Báo Công lý nhiều lắm". Thấy ánh mắt chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông hiểu ý liền giải thích: "Kể từ khi báo chí lên bài, tôi được sự quan tâm nhiều lắm, xóm, xã, huyện đều đến thăm, anh chị em con cháu chăm sóc tận tình, một số cựu chiến binh cũng tìm đến xem tôi có phải là đồng đội cũ của họ không?. Nhờ vậy sức khỏe tôi dần dần hồi phục, trí nhớ cũng hồi phục được đôi phần. Tôi liền hỏi: "Thế bác có nhớ được mình ở đơn vị nào? với ai? vì sao lạc, ở đâu về?".

Tết của

Ông Nhường đón nhận phần quả nhỏ PV Báo Công lý trao tặng 

Ông ngồi trầm tư, đôi mắt nhăn nheo nhìn về xa xăm hồi tưởng đến một chân trời vô định nào đó rồi chậm rãi nói: "Tôi chỉ nhớ mình ở đơn vị với anh Tình, anh Đông, bọn tôi thương nhau lắm. Trước lúc bước vào trận chiến, chúng tôi nắm tay thề sống chết có nhau, tuy nhiên khi chúng ta sắp giành được chiến thắng, thì địch tăng viện một lực lượng rất đông được trực thăng thả xuống, dồn quân ta vào thế bất lợi, tôi cùng 6 đồng chí rút xuống một hầm bí mật, nhưng thật không may, bọn địch lại dựng lán giả chiến ngay trên nóc hầm chúng tôi, trụ lại để truy lùng.

Hai ngày trôi qua, nếu cứ kéo dài, cả đơn vị sẽ chết đói, tôi xung phong đội nắp hầm vùng lên thu hút địch để đơn vị rút lui an toàn. Thống nhất kế hoạch, chúng tôi bật nắp hầm đồng loạt quẳng toàn bộ lựu đạn còn lại. Tôi phi lên trước, vừa xả A kA về phía địch, vừa lao vào rừng, bọn chúng lập tức hò hét trút đạn đuổi theo. Tôi cứ chạy mãi cho đến lúc bất tỉnh và từ đó không còn biết gì nữa.... 

Nói đến đó, ông Nhường đột nhiên ngồi ôm đầu quay cuồng, không nói gì đến chuyện quá khứ nữa, miệng ông cứ lảm nhảm: "Tao ở đây, tao ở đây..."

Hiện tại mơ màng

Thấy chúng tôi gặng hỏi mà ông vẫn ngồi im, cô cháu dâu Hồ Thị Oanh (SN 1983) tiếp lời: "Kể từ khi được sự chăm sóc của gia đình, sức khỏe chú Nhường đã dần hồi phục, ổn định, trí óc cũng có vẻ minh mẩn hơn. Chú không còn hay đi lang thang bứt lá cây, đào củ chuối, ăn thịt sống nữa, chú đã biết ăn cơm, ăn thức ăn chín. Thi thoảng chú như một người hoàn toàn khác, ngồi kể vanh vách cho chúng tôi nghe chuyện đánh nhau với địch. Hôm rồi, có máy người cựu chiến binh từ quảng trị ra thăm, chú Nhường bỗng nhiên ôm chầm lấy họ mà hét: "Tình, Đông"... nhưng không phải. Đây chỉ là những cựu chiến binh đọc được thông tin trên báo, thấy hoàn cảnh của chú quá bi đát tìm về trao  quà động viên. Sau khi báo chí đăng bài, những ngày cận Tết, hội mặt trận xóm, cán bộ xã Quỳnh Lâm, giáo xứ Thuận Nghĩa, các đoàn thể huyện Quỳnh Lưu có về trao quà để chú có một cái Tết ấm cúng hơn". 

Tết của

Cô cháu dâu đang tường thuật sự việc với PV

Những người hàng xóm xung quanh thì bảo: "Ông Nhường dạo này đã tỉnh rồi, gặp chúng tôi đã biết chào, thi thoảng còn sang ăn cơm với các gia đình, ông quý trẻ con phải biết, ngược lại thấy ông tới trẻ con đang khóc vội im bặt rồi chạy đến sà vào lòng ông vui đùa như thân quen lắm...". Hiện tại, ông Nhường đang sống nương nhờ trong tình thương của gia đình, sự cưu mang bảo bọc của bà con lối xóm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Danh Hòa - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quỳnh Lưu cho hay: "Trường hợp ông Nhường, chúng tôi đang tầng ngày nỗ lực hết sức có thể để mong sao làm được chế độ cho ông. Những mảnh ghép ký ức của ông rất vụn vỡ nên chúng tôi khó có thể xác định. Nếu giải quyết chế độ cho ông một lần thì chúng tôi làm được ngay, nhưng hiện tại ông không vợ, không con, không nơi nương tựa, nên chúng tôi muốn làm chế độ hàng tháng cho ông. Tuy nhiên, trí nhớ ông kém, chưa tìm được đồng đội, chưa xác định được đơn vị nên việc này còn gặp khó khăn.

Tết của

Khu chợ Thuận Nghĩa, nơi ông Nhường trở về

Hiện nay, ông Nhường đã nhiều tuổi, bệnh tật ập đến, tuổi già ùa về, vết thương lại luôn hành hạ, có nguy cơ tái phát bất cứ lúc nào, bởi vậy các cơ quan chức năng liên quan nên nghiên cứu, đẩy nhanh tiền độ giải quyết thủ tục để ông Nhường được hưởng chế độ. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua bài báo này, ai là đồng đội của ông Nhường xin hãy lên tiếng. Ông Đông, Tình nếu còn sống xin hãy liên lạc với ông Nhường. Chúng ta, mỗi người một chút, cùng chung sức để giúp một chiến sỹ chiến đấu trở về đang phải chịu thiệt thòi, thiếu thốn trong cảnh hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết của "liệt sỹ" trở về sau 42 năm báo tử