Đi trên đường phố, đôi khi người ta khó chịu vì gặp đèn đỏ, có người bất chấp biển báo mà đi ẩu… Họ có biết đâu, ở Tây Bắc người ta thèm những tấm biển báo, những tín hiệu chỉ dẫn giao thông vô cùng.

Con đường không tên biển

Tôi nhớ mãi chuyến đi bằng xe máy lên xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La Tây Bắc không chỉ có những khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà ngay cả những đoạn dốc, đoạn cua tay áo khúc khuỷu, hun hút, những đoạn đường một bên là vách ta-nuy dựng ngược, bên kia là vực thẳm cũng là điều khiến nhiều người không thể quên. 

 

Địa hình dốc, liên tiếp những khe núi, ngọn đèo khiến nhịp tim chúng tôi đập mỗi lúc một gấp gáp. Khi lên đèo, chiếc xe máy như chú ngựa già không kịp nghe lời chủ, hồng hộc sải những bước chân chậm chạp nếu không nói là ậm ạch. Nhưng trên đường chở xuống chúng lại lồng lên như những con ngựa bất kham. Dùng hết sức bình sinh, chúng tôi mím môi thật chặt, tay gồng lên như những bác thợ săn sắp bước vào trận đấu lớn với con thú rừng hung tợn. Lần đầu tiên trong cuộc hành trình tôi thấy ớn lạnh nơi sống lưng và lo lắng về quãng đường đến Tân Lang phía trước.

 

Tây Bắc gần mà xa

Nhà sàn ở Tây Bắc

 

Qua được vài con dốc, chúng tôi như thở phào nhẹ nhõm vì quãng đường phía trước đã ít khó khăn hơn. Bỗng kít… Cả đoàn xe phải phanh rít lên sững lại vì để tránh một chiếc xe  ôtô đi ngược chiều bất chợt hiện ra sau chỗ rẽ. Hú hồn, chúng tôi dừng lại để nghỉ ngơi và lấy lại tinh thần. Nhìn quanh một lúc, anh trưởng đoàn giật mình phát hiện là đoạn dốc này không thấy cái biển báo chỉ đường, hay gương cầu nào. Dương - một thành viên trong đoàn nói: “đâu chỉ mình đoạn dốc này không có, suốt từ đầu qua mấy chục con dốc mà em có thấy cái biển báo nào đâu”. Quả thật, chúng tôi qua nhiều khúc cua chóng mặt mà tuyệt nhiên không thấy một biển báo nào.

 

Chật vật chúng tôi mới qua được đoạn đường tỉnh lộ 114 đó. Gương mặt ai cũng hiển hiện rõ sự mệt mỏi vì kiệt sức, chân tay thì rã rời. Cả đoàn như những chiến binh dũng cảm vừa bước ra từ một bộ phim hành động đến nghẹt thở. Tôi tự hỏi: Không lẽ Nhà nước chi hàng trăm tỉ đồng xây dựng con đường rút ngắn khoảng cách giữa vùng cao và miền xuôi vậy mà lại “quên” những biển báo để đảm bao an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại.

 

Ông Nguyễn Kiên Cường (67 tuổi, người bản Tiên La, xã Tân Lang) người theo dõi sâu sát nhất vấn đề này trong những năm qua, cho biết: Đó là đường tỉnh lộ 114, từ quốc lộ 32B, dài hơn 20km kéo từ bản Bãi Đu, xã Tân Lang đến trung tâm xã Mường Do. Ông cho biết đoạn đường này đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn và đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh hãi hùng khi chứng kiến cảnh tượng đó mà ông đã chụp được. Ông bức xúc nhất là vì sao sau… năm con đường được hoàn thành mà bấy nhiêu năm không thấy ai đến lắp biển. Dù có bài viết của chính ông đăng trên báo Sơn La nhưng vẫn không thấy chính quyền vào cuộc. 

 

Màn đêm buông xuống, giữa không gian vắng lặng, tĩnh mịch của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi trằn trọc và ám ảnh bởi những bức hình của ông Nguyễn Kiên Cường. Nó quá khác so với khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Giữa cuộc sống tươi đẹp và cái chết chóc khủng khiếp, tất cả dường như chỉ cách nhau trong gang tấc. Phải chăng, vẻ đẹp chỉ thực sự vĩnh cửu khi được xây dựng trên một nền móng an toàn.

Dây thì thừa nhưng điện lại thiếu

 

Khi đến vùng núi Tây Bắc này, chúng tôi choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên bao nhiêu thì lại ngậm ngùi, xót xa cho người dân bấy nhiêu vì sự thiếu thốn của họ. Bản Ếch - một bản đông dân nhất xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La với 107 hộ, 532 nhân khẩu, nằm cách quốc lộ 32B chừng 3km, và trên cao chằng chịt đủ loại lưới điện 110kV đến 220kV chạy qua. Đường dây 550kV đang được xây dựng, nhưng đã vài thập kỷ trôi qua cuộc sống người dân nơi đây vẫn diễn ra trong “bóng tối”. Những đường dây chằng chịt như thách đố, gần đấy nhưng xa vời vợi với cuộc sống của người dân bản Ếch. Nơi đây nguồn điện được xem là xa xỉ phẩm và nó được đưa ra như để rèn tính nhẫn nại của con người.

 

Ông Đinh Văn Cường, Phó Bí thư xã Mường Cơi, kiêm Phó trưởng bản Ếch cho biết: Trong suốt 20 năm dân bản ông không hề có điện để sinh hoạt. “Cái khó ló cái khôn” bà con nơi đây đã tận dụng những con suối để lắp những máy phát điện mini công suất chỉ đạt tới 0,3kW. Nguồn điện nhỏ và yếu chỉ có thể thắp sáng những bóng đèn compact nhỏ hay cũng chỉ đủ điện cho chiếc tivi đen trắng. Khi vào vụ mùa, máy phát điện được ưu tiên cho chiếc máy bơm để đưa nước vào ruộng. Hiện tại, tất cả hoạt động, sinh hoạt của người dân cả việc học hành của con cháu trong bản đều trông cậy vào nguồn sáng duy nhất từ những chiếc đèn dầu. Khi hỏi đến trách nhiệm và cách giải quyết của chính quyền ông bức xúc nói: “Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, tại các cuộc họp tôi đã đưa vấn đề này ra bàn bạc, ông Chủ tịch xã cứ ậm ừ cho qua. Thực ra cũng đã có lần cán bộ ngành Điện lực tới khảo sát, nhưng rồi mọi việc chẳng có gì thay đổi.”

 

**

Tây Bắc, không xa về địa lý mà quá xa về mức sống và tiện nghi so với miền xuôi. Ước gì lần sau trở lại, tôi thấy khoảng cách ấy hẹp lại, hẹp như con suối đầu bản Tiên La…    

 

Tuyết Nhung                                             

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Bắc gần mà xa