Mỹ đã điều tàu USS William P.Lawrence của hải quân nước này vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng phi pháp ở Đá Chữ Thập.
Theo hãng tin Reuters, trong thông báo bằng thư điện tử, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết hoạt động tự do hàng hải do tàu USS William P.Lawrence thực hiện là nhằm "thách thức những tuyên bố hàng hải quá mức của một số bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”. Ông nói thêm: "Những tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá mức đó đi ngược lại luật pháp quốc tế, như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vì hạn chế quyền tự do đi lại mà Mỹ và tất cả các nước đều được hưởng".
Tàu USS William P.Lawrence của Hải quân Mỹ. Ảnh: navy.mil
Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã điều 2 máy bay chiến đấu và 3 tàu chiến bám theo tàu Lawrence.
Dẫn ý kiến của ông Ian Storey, chuyên gia Đông Nam Á thuộc viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) đăng trên tờ "The Wall Street Journal", cho rằng Đá Chữ Thập là một khu vực nhạy cảm vì Trung Quốc coi đây là “trung tâm quân sự tương lai” của nước này ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhiều lần khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”. Người phát ngôn Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình là Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế”.