Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi tham dự chuỗi sự kiện quan trọng về dầu khí và điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tổ chức vào tối 1/12 tại TP. Vũng Tàu.
Sự kiện diễn ra nhằm kỷ niệm những thành tựu nổi bật mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được. Với vai trò là công ty dầu khí quốc gia, gắn kết mục tiêu phát triển của mình với sự phát triển chung của đất nước. Để đạt được mục tiêu này, Petrovietnam đã điều chỉnh chiến lược phát triển đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Petrovietnam đã nâng tổng công suất đạt từ 8.000 - 14.000 MW, với tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm từ 5 - 10%. Tiếp đó, đến năm 2045, Petrovietnam phấn đấu chiếm 8 - 10% tổng công suất hệ thống điện quốc gia, với tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 10 - 20%.
Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, Petrovietnam đã xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi, các đơn vị thành viên của Petrovietnam, như: PTSC, Vietsovpetro, PVE, PV Drilling, PV Shipyard, Petrosetco, đều đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành năng lượng tái tạo. Trong đó, PTSC đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo, đồng thời tham gia các dự án ngoài khơi tại Việt Nam và quốc tế.
Trong những năm gần đây, PTSC đã đạt nhiều thành công trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK) như trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế ĐGNK cho dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) của Orsted (Đan Mạch), đánh dấu hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Ngoài ra, PTSC cũng tham gia các dự án điện gió quy mô lớn khác, như dự án Baltica 02 tại biển Baltic, với công suất 2,5 GW, một trong những dự án điện gió lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, PTSC là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu trạm biến áp ĐGNK sang châu Âu, ngoài 5 trạm biến áp đã xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham gia các dự án điện khí lớn như dự án điện khí Lô B - Ô Môn, với sản lượng khai thác khí dự kiến đạt 5,6 tỷ m³/năm. Dự án này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.
Theo ông Lê Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Giám đốc PTSC, cho biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng lớn để phát triển ĐGNK nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi với tốc độ gió từ 8 - 10 m/s, độ sâu đáy biển từ 20 - 40 m, và hệ thống cảng biển, giao thông, lưới điện hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp địa phương đã sản xuất các thiết bị quan trọng như chân đế, trạm biến áp và cột tháp phục vụ ngành điện gió.
Các dự án điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn và yêu cầu chuỗi cung ứng mạnh mẽ. Ví dụ: Dự án CHW2204 do PTSC thực hiện sử dụng hơn 80.000 tấn thép và gần 100 nhà thầu phụ. Với các lợi thế này, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các trung tâm năng lượng ở các khu vực khác như miền Bắc và miền Trung.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của Petrovietnam trong việc mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là ĐGNK; đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách quốc gia năm 2024.
Thủ tướng đề nghị Petrovietnam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi trong những năm tới, từ 15 - 20% mỗi năm, nhằm góp phần thúc đẩy GDP quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng; chủ công nghệ ĐGNK, bao gồm sản xuất turbin, cánh quạt và chân đế, để xây dựng một trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới tại Việt Nam.
Đây là cơ hội để đất nước phát triển bền vững, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch sang phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định sẽ định hướng đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm điện gió không chỉ của quốc gia mà còn của thế giới; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.