Ngày 12/3, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch năm 2014.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, tính đến tháng 12/2013 có 144 xã đạt cả 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 1,6%); 562 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (chiếm 6,2%); 2.608 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (chiếm 29%); 4.174 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (chiếm tỷ lệ cao nhất 46,3%); số còn lại đạt dưới 5 tiêu chí có tới 1.520 xã (chiếm 16,9%). Như vậy, bình quân cả nước đạt 8,48 tiêu chí/xã (tháng 12/2011 đạt 5,27 tiêu chí/xã).
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn 7 xã “trắng” về tiêu chí nông thôn mới, tập trung ở vùng miền núi phía Bắc. Một số địa phương có mức phấn đấu tăng tiêu chí hàng năm còn rất chậm so với năm 2011 như: Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La… Đồng thời, mức độ phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới hàng năm rất khác nhau giữa các vùng, thấp nhất là vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá: Nhìn chung, các địa phương vẫn ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng. Coi đây là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa – an ninh, và đặc biệt là tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Vì vậy, tuyệt đại đa số người dân đồng thuận.
Mục tiêu năm 2014 phấn đấu có 600-700 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Về phát triển sản xuất, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nổi bật trong thời gian qua là các tỉnh, thành phố đều quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, gắn với nâng cao thu nhập của người dân theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, An Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… trong đó, các tỉnh như Lâm Đồng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp… xúc tiến công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, “cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp”, tỉnh nào cũng có hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai, nhân rộng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLB) còn chậm phát triển; các công trình tạo nguồn như: trạm bơm điện ở ĐBSCL, hồ chứa ở các tỉnh miền núi, duyên hải Nam Trung bộ… còn thiếu. Đáng chú ý, một số địa phương huy động quá sức dân hoặc kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn làm trước, thanh toán sau nên xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài, thiếu sự tham gia của người dân và cộng đồng.
Thêm nữa, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ mô hình sản xuất hiệu quả ở địa bàn thôn, xã để người dân học tập còn ít được lãnh đạo địa phương quan tâm; chậm hình thành mô hình liên kết theo chuỗi. Mặt khác, đa số hộ nông dân, chủ trang trại, HTX vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng cho sản xuất.
Mục tiêu năm 2014 phấn đấu có 600-700 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận: Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đây đã trở thành một phong trào rộng khắp, được người dân tích cực hưởng ứng, tự nguyện tham gia. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, vận dụng phù hợp với địa phương, nhờ đó đã huy động được toàn lực lượng xã hội vào cuộc, đem lại nhiều chuyển biến rõ rệt cho bộ mặt nông thôn.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2014, Phó Thủ tướng đề nghị: Các bộ, ngành theo nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tiễn xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đặt vấn đề sửa Bộ tiêu chí nông thôn mới, mà đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát các tiêu chí có liên quan bộ, ngành mình sau đó tổng hợp lại để có sự điều chỉnh, ban hành hướng dẫn phù hợp với thực tiễn của địa phương, tiêu chí nào chưa đạt được thì phải có lộ trình, không nên lập tức thay đổi ngay.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đảm bảo đúng địa bàn, đúng đối tượng ưu tiên, đúng nội dung; cân nhắc việc chia đều, dàn trải nguồn vốn của trung ương vì nguồn lực có giới hạn. Phó Thủ tướng lưu ý: Nếu việc nào có thể giao cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới thì nên giao trực tiếp; việc nào xã làm được thì giao trực tiếp cho xã; đồng thời, tập trung nguồn lực kích thích, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp nông thôn, trước mắt tập trung vào những ngành hàng hóa, sản phẩm mà xã đang làm, có lợi thế cạnh tranh và gắn liền với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.