Tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung cao độ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án tái định cư, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trước 30/3/2019 để phục vụ dự án cao tốc Bắc- Nam đoạn qua địa bàn.
Chiều 15/3, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cam kết tập trung cao độ giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc- Nam
Tuyến cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 98,1km, đi qua địa phận 8 huyện gồm: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn và Tĩnh Gia với tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng khoảng 695,7 ha. Hiện các địa phương có tuyến đường đi qua đã tiếp nhận xong hồ sơ thiết kế cơ sở, xác định tim đường, quản lý chặt chẽ phần mặt bằng từ tim đường ra mỗi bên 40m và xây dựng phương án giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 25/1/2020.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm sát sao đến tiến độ dự án tại Thanh Hóa, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mốc giải phóng mặt bằng trên hồ sơ, làm cơ sở cho các địa phương rà soát, thống kê chính xác khối lượng công việc cần làm; bố trí vốn sớm nhằm hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan và xây dựng khu tái định cư để triển khai giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Người dân Tĩnh Gia xây dựng công trình trái phép chờ bồi thường dự án cao tốc Bắc- Nam
Trước ngày 30/4/2019, các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành xong việc bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng để các địa phương tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai các bước giải phóng mặt bằng trên cơ sở bám sát các quy định hiện hành. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện phải được báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên để nhanh chóng giải quyết dứt điểm. Về phương án đền bù, tái định cư, tỉnh Thanh Hóa cần chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể với quy trình chặt chẽ, tính toán chi tiết các vùng dân cư bị ảnh hưởng, ưu tiên phương án bố trí tái định cư tại chỗ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Dự án đường cao tốc Bắc – Nam là dự án cực kỳ quan trọng đối với tỉnh trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ tập trung cao độ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án tái định cư, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trước 30/3/2019. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của Bộ Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Trước đó, báo Công lý đã phản ánh về tình trạng người dân xây dựng các công trình trái phép để chờ đền bù khi dự án cao tốc Bắc- Nam phía đông triển khai. Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia đã mọc lên 26 công trình xây dựng trái phép. Mục đích xây nhà của người dân xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia là để đón đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn, nên chủ của những ngôi nhà này không xin cấp phép xây dựng và không quan tâm đến giá trị sử dụng. Cái mà họ quan tâm là khi dự án triển khai, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện, họ sẽ được nhà nước bồi thường một khoản tiền.
Đây cũng là lý do khi có thông tin dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua, nhiều hộ dân xã Phú Lâm đã đồng loạt xây nhà. Với cách xây tường tạm, mái và khung được ghép ở nơi khác đưa về thì chỉ sau 1 đêm đã có thể hoàn thành 1 ngôi nhà. Theo thống kê của UBND xã Phú Lâm, chỉ từ đêm ngày 26/2 đến ngày 28/2, trên chiều dài 3km dọc tuyến dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn xã, đã có 26 công trình xây dựng của 18 hộ mọc lên. Điều đáng nói là trong số các trường hợp vi phạm có cả cán bộ, Đảng viên.
Ngay sau khi phát hiện tình trạng người dân xây dựng nhà tạm trái phép để đón đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc Nam, huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo xã Phú Lâm thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ trả lại nguyên trạng. Xây dựng công trình, trồng cây, thậm chí là các mộ gió để đón bồi thường giải phóng mặt bằng không phải câu chuyện xảy ra lần đầu tại huyện Tĩnh Gia. Bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng, cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật để không tạo ra sự lãng phí rất lớn cho xã hội, gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.