Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng Đại hội đưa ra các quyết nghị phù hợp, lựa chọn bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ năng lực, điều kiện tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trao đổi với phóng viên, các đại biểu tham dự Đại hội bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng Đại hội với tinh thần đoàn kết - dân chủ - trí tuệ - đổi mới, sẽ dân chủ thảo luận, đưa ra các quyết nghị phù hợp, lựa chọn bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới có cơ cấu hợp lý, đủ năng lực, điều kiện lãnh đạo đất nước tiếp tục thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Có những quyết nghị phù hợp
Đại biểu Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng tin tưởng Đại hội sẽ có những quyết sách phù hợp cho phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2016-2020. Sau Đại hội, Trung ương cũng như Nhà nước sẽ cụ thể hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trên cơ sở giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, vay được vốn để đầu tư phát triển bền vững. Các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mà Nhà nước cho phép, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo pháp luật quy định, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.
Các đại biểu dự Đại hội.
Là đại biểu trẻ nhất của đoàn đại biểu Hải Phòng tham dự Đại hội, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Trần Quang Tường quan tâm đến những nội dung về chủ trương, đường lối và những định hướng chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tới. Tuổi trẻ cũng mong muốn các cấp ủy Đảng quan tâm, chăm lo tới công tác đoàn và thanh thiếu nhi, tạo điều kiện cho thanh niên được rèn luyện, cống hiến. Đại biểu Tường tin tưởng với sự tâm huyết, trí tuệ, năng động xung kích, thế hệ trẻ ngày càng đóng góp quan trọng, nhiều hơn nữa vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế của thành phố và đất nước.
Tại Đại hội, đoàn đại biểu Hải Phòng sẽ trình bày tham luận với chủ đề "Một số giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế" nhằm cụ thể hóa báo cáo chính trị trình Đại hội. Đây là kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn của Hải Phòng. Đồng hành cùng sự đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước, Hải Phòng tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sự phát triển nhanh, đột phá để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị vững mạnh; hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Tập trung xóa đói giảm nghèo vùng bào dân tộc thiểu số
Đảng viên Y Thanh Hà Niê Kdăm, dân tộc Ê đê, Bí thư Thành ủy thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chia sẻ mong muốn: Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nước mà Đại hội đã đề ra.
Theo đảng viên Y Thanh Hà Niê Kdăm, trong mấy năm qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong tỉnh và sự quan tâm của Trung ương, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá đồng bộ, có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống của người dân vùng nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Chương trình cũng đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cán bộ chính quyền cơ sở, đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cũng theo đại biểu Y Thanh Hà Niê Kdăm, Chương trình 135 đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực hưởng ứng. Hiện nay, trên địa bàn các xã, buôn, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh không còn tình trạng đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 5%. Tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện tốt chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chậm, không ổn định; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với bình quân chung, công tác xóa đói giảm nghèo còn thiếu bền vững, khoảng cách chênh lệch về mức sống trên cùng địa bàn cư trú có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy ước văn hóa ở thôn, buôn còn mang tính khuôn mẫu, gượng ép, thiếu tính thiết thực; phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở các xã, thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu, thiếu tính định hướng, chưa sâu rộng, chưa có sức lan tỏa mạnh trong đời sống nhân dân; chất lượng giáo dục và đào tạo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.