Tập huấn chuyên đề Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Mai Đỉnh| 20/10/2022 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 19/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chủ trì Hội nghị tập huấn trực tuyến chuyên đề về Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Pháp lệnh).

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; các Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống Tòa án. Thành phần tham dự tại các điểm cầu là các đồng chí có chức danh tư pháp.

tap-huan3.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng do TANDTC đề nghị, chủ trì soạn thảo và được UBTVQH thông qua với tỉ lệ phiếu cao. Quá trình xây dựng Pháp lệnh có sự tham gia của rất nhiều cơ quan như, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSNDTC, Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội...

Ý nghĩa của Pháp lệnh này nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của phiên Tòa, bảo vệ các giai đoạn của hoạt động tố tụng, trong đó có bảo vệ Thẩm phán, bảo vệ quyền con người chống lại những hành vi vi phạm quyền con người, bảo vệ quyền uy tư pháp. Tuy nhiên, hiện tại Pháp lệnh vẫn còn nhiều giới hạn, chưa bao trùm hết được các hành vi vi phạm trong hoạt động tố tụng.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Pháp lệnh này cũng có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đối với tất cả các cơ quan thi hành tố tụng nói chung, đặc biệt thiết thực đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Các Thẩm phán đều phải nắm chắc những điều quy định trong Pháp lệnh và được thực thi nghiêm túc.

Chánh án yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị với tinh thần nghiêm túc, tập trung, tích cực trao đổi, thảo luận để Pháp lệnh sớm đi vào thực tiễn, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn công tác của Tòa án các cấp.

tap-huan1.jpg
TS Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Báo cáo viên tại hội nghị.

TS Nguyễn Thị Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Báo cáo viên tại hội nghị cho biết, khi chưa có Pháp lệnh này, các quy định về hành vi cản trở tố tụng được quy định nhỏ lẻ trong các bộ luật, luật như BLTTHS, LTTHC, BLTTDS.

Tuy nhiên các luật này chưa quy định cụ thể về hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt. Qua thực tiễn tổng kết 7 năm thực hiện mới xử phạt hành chính hơn 30 trường hợp, đây là con số rất nhỏ so với thực tế. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh giúp chế tài đi vào cuộc sống, trong các công tác xét xử nói chung.

Trong quá trình xây dựng Pháp lệnh, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy cơ bản các quy định về thẩm quyền, mức xử phạt đã khá cụ thể, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, nhất là các cơ quan tố tụng chưa quen với lĩnh vực xử phạt hành chính. Với ý nghĩa vô cùng quan trọng đó, TS Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị TANDTC cân nhắc ban hành chỉ thị về triển khai thi hành Pháp lệnh.

tap-huan2.jpg
Các đại biểu tại tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm TANDTC

Pháp lệnh này không quy định các hành vi mới, mà chỉ quy định cụ thể hơn việc xử phạt, các hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt đối với những hành vi không được phép thực hiện, hành vi bị coi là cản trở hoạt động tố tụng đã được quy định trong các đạo luật tố tụng.

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm 04 Chương, với 48 Điều quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn chuyên đề Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng