Được sự hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều hộ dân ở các xã vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã trồng được các loại nấm dược có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm sò..
Nhờ đó, việc vào rừng khai thác các loại lâm sản giảm hẳn, góp phần bảo vệ tính nguyên sinh, đa dạng để thu hút thêm khách du lịch trong và ngoài nước về với Phong Nha – Kẻ Bàng.
Vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có 13 xã nằm tập trung tại khu vực các thung lũng và ven hai con sông Chày, sông Son. Người dân cư trú ở đây chủ yếu là người Bru - Vân Kiều và Chứt.
Sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá lạc hậu, canh tác nương rẫy là phổ biến, đồng bào chưa biết cách đầu tư thâm canh cho các loại cây trồng, chăn nuôi nhỏ lẻ, để có thức ăn hàng ngày, họ chỉ biết dựa vào săn bắt động vật rừng, chim cá trên các ao hồ, sông suối.
Cấp giống nấm linh chi cho dân tham gia dự án.
Kiểm tra mô hình trồng nấm dược liệu
Để có cái ăn hàng ngày, từ người già đến trẻ con chủ yếu dựa vào rừng, họ vào sâu trong các khu rừng nguyên sinh và vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để khai thác các loại lâm sản, tài nguyên khiến các loại động thực vật trong Vườn quốc gia ngày một khan hiếm, thậm chí bị tận diệt, đe dọa nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học vốn có của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Đứng trước thực trạng đó, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã phải chung tay vào việc tìm sinh kế nhằm giúp người dân nghèo ở đây ổn định cuộc sống một cách bền vững, coi đó là một giải pháp để hạn chế dần việc khai thác các loại thổ sản từ rừng.
Cuối năm 2014, Tổ chức hợp tác kỹ thuật của CHLB Đức (gọi tắt là GIZ) đã phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Quảng Bình đã chính thức bắt tay vào thực hiện dự án chuyển giao công nghệ trồng nấm dược liệu cho bà con vùng đệm.
Mẻ nấm linh chi đầu tiên trước khi thu hoạch
Ông Nguyễn Hữu Nghị bên 400 bịch nấm linh chi tự bỏ vốn đầu tư
Ông Bùi Văn Thịnh, phụ trách dự án sinh kế vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc Tổ chức GIZ tại Quảng Bình cho biết “Tháng 10. 2014, qua khảo sát tại 3 xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), chúng tôi nhận thấy đây là những địa phương này có đủ điều kiện thuận lợi như: địa hình ở đây tương đối cao ít xảy ra ngập lụt, môi trường khí hậu rất thuận tiện, lực lượng lao động dồi dào, nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp để làm nấm lại phong phú, rất phù hợp để chuyển giao công nghệ trồng nấm dược liệu”.
Đến đầu năm 2015, sau khi được tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm và được cấp phát số lượng bịch nấm, 40 hộ gia đình thuộc 3 xã trên đã tham gia dự án liền bắt tay vào các công đoạn hấp bịch, cấy giống, treo bịch, chăm sóc nấm dược liệu. Theo số liệu thống kê tại 3 xã đã sản xuất được 9.000 bịch nấm linh chi và 7.200 bịch nấm sò bán thành phẩm.
Sau hơn 4 tháng triển khai, kết quả thực hiện mô hình trồng nấm dược liệu tại 3 xã nói trên bước đầu đã có những kết quả rất khả quan. Bước đầu, tổng sản lượng sau thu hoạch đợt 1 của cả 40 hộ được hơn 3.000 kg nấm sò tươi với giá bán (trên dưới 40.000 đồng/kg), thu về giá trị kinh tế là hơn 120 triệu đồng. Nấm linh chi thu hoạch được hơn 100 kg khô với giá bán bình quân 600.000đ/kg, thu về gần 60 triệu đồng.
Nấm dược liệu đang tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng
Riêng sản phẩm nấm linh chi sẽ được Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh Quảng Bình thu mua 100% để tìm được thị trường tiêu thụ cho dân. Trước mắt, khi chưa tìm được đầu ra, Trung tâm sẽ dùng nó để sản xuất trà túi lọc linh chi cung cấp cho thị trường nội tỉnh.
Sản phẩm nấm sò tươi được đóng gói đưa ra một số chợ như chợ Phong Nha, chợ Tróc và đang tìm cơ hội để đưa ra thị trường các tỉnh lân cận và nhất là nhắm tới du khách từ các tỉnh khác khi họ đến du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tuy mới ở giai đoạn đầu của dự án, nhưng mô hình trồng nấm tại đây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho 40 hộ tham gia nên đã có tác dụng kích thích một số hộ tự bỏ thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Điển hình là hộ ông Nguyễn Hữu Nghị, xã Phúc Trạch, tự bỏ vốn sản xuất thêm hơn 400 bịch nấm linh chi; hộ anh Trần Xuân Thành, xã Sơn Trạch, đầu tư thêm gần 800 bịch nấm linh chi và nấm sò.
Niềm vui của người dân trồng nấm ở vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng khi tìm được kế sinh nhai bền vững.
Điều đáng mừng là mô hình trồng nấm dược liệu, nấm sò ngoài việc đưa lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất còn có tác dụng trong việc bảo vệ và làm sạch môi trường ngay tại khu vực vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhờ tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, bã mía... dự án đã góp phần vào việc hạn chế nguồn phế thải này ra môi trường. Phế thải sau khi trồng nấm linh chi, nấm sò còn được tận dụng để trồng nấm rơm, sau khi trồng nấm rơm xong thì có thể dùng chúng làm phân bón cho cây trồng.
Việc trồng được nấm dược liệu có giá trị kinh tế tại các xã trong khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang là một hướng đi đúng trở thành một “sinh kế” bền vững cho người dân vùng đệm, từ đó giảm bớt việc khai tác bừa bãi lâm thổ sản nhằm góp phần bảo tồn các giá trị thiên nhiên còn hoang sơ trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng .