Nhằm nâng cao hiệu quả công tác, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, cán bộ, công chức TAND các cấp luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tác phong công vụ và thái độ phục vụ nhân dân nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có công việc tại TA.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân
Trên cơ sở quy định về “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TAND” và thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên các Tòa án luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân. Với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với phong trào thi đua “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” các cán bộ, nhân viên TAND các cấp luôn thể hiện thái độ tôn trọng, lắng nghe ý kiến và tận tình hướng dẫn cho người dân về các thủ tục tố tụng tại Tòa án cũng như giải thích, hướng dẫn cho họ về các quy định của pháp luật. Có Tòa án đã quy định rõ trong quy chế làm việc của đơn vị về việc lãnh đạo phụ trách các lĩnh vực công việc phải trực tiếp xin lỗi người dân nếu để xảy ra việc chậm giải quyết yêu cầu của công dân như TAND quận Long Biên (TP. Hà Nội); hay xây dựng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức với các nội dung 5 xây, 5 chống và 5 không của TAND huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng)…
Cùng với việc bố trí cán bộ thường xuyên tiếp công dân, các Tòa án niêm yết công khai lịch lãnh đạo tiếp công dân trong tuần để giải quyết các yêu cầu cấp thiết của công dân. Có Tòa án đã kết hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý cho in tờ rơi với nội dung thể hiện các quy định của pháp luật về tranh chấp phổ biến hiện nay tại địa phương, in các biểu mẫu tố tụng và phát miễn phí cho người dân. Không ít đơn vị còn tìm nguồn kinh phí để in những cuốn sách về “Trình tự thủ tục thụ lý và giải quyết các loại án” phát cho UBND các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền sâu rộng đến người dân và gửi đến các cơ quan đoàn thể trong tỉnh, cấp ủy, HĐND, UBND các cấp giám sát hoạt động của Tòa án. Các TAND tỉnh Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên… còn đưa lên trang website của đơn vị các trình tự thủ tục tố tụng để giúp người dân tra cứu, tìm hiểu.
Hội nghị trực tuyến đóng góp ý kiến để cải cách các hoạt động của Tòa án
Hiện nay, TANDTC tiếp tục xây dựng các trang thông tin điện tử cho các TAND cấp cao và các TAND cấp tỉnh trong toàn quốc, trong đó bắt buộc phải có chuyên mục tra cứu thông tin để công khai hóa những thông tin cơ bản về quá trình giải quyết vụ án, các thủ tục, mẫu đơn, mẫu văn bản tố tụng và hành chính tư pháp đang áp dụng tại Tòa án. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động tố tụng và các bản án lệ cũng sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử. Nhiều TAND địa phương đã lắp đặt và vận hành bảng thông báo điện tử tại trụ sở để công khai lịch xét xử, lịch tiếp công dân và lịch làm việc của lãnh đạo đơn vị.
Tiến tới xây dựng Tòa án điện tử
Nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để phục vụ công dân, TANDTC đang nghiên cứu, hướng dẫn quy định tại Điều 190, Điều 191 BLTTDS và Điều 119 Luật TTHC về việc gửi và nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử; trên cơ sở đó triển khai thực hiện thí điểm việc này tại một số Tòa án có đủ điều kiện. TANDTC đang xây dựng và tiến tới thực hiện quy chế một cửa liên thông nhằm đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau phiên tòa xét xử. Các công việc này bao gồm: Tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và các tài liệu kèm theo (nếu có) của đương sự; đơn khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án; cấp giấy chứng nhận người bào chữa; cấp bản án, quyết định và các bản trích lục, trích sao bản án, quyết định của Tòa án. TAND các cấp cũng nghiên cứu thực hiện quy trình phân công công việc một cách hợp lý, đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết các vụ án.
Hiện tại, TANDTC đang xây dựng để thống nhất mô hình về tổ chức bộ máy, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, đảm bảo sự tách bạch giữa hoạt động hành chính tư pháp với hoạt động xét xử. Theo đó, mỗi đơn vị Tòa án thành lập một bộ phận chuyên trách thực hiện công tác hành chính tư pháp với quy trình tiếp nhận và trả hoặc thông báo kết quả giải quyết theo thủ tục đơn giản, thuận tiện nhất cho các cơ quan, tổ chức và công dân. Mặt khác, toàn hệ thống Tòa án nói chung, mỗi Tòa án nói riêng sẽ xây dựng các “ki ốt” điện tử; thiết lập các đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tất cả các Tòa án và cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Tòa án. TANDTC sẽ hoàn thành việc xây dựng các phòng xét xử điện tử để thực hiện việc tự động ghi âm, ghi hình, chụp chiếu các tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa; nghiên cứu việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến.
Trong những năm tới, Tòa án các cấp thực hiện số hóa việc quản lý, lưu trữ, khai thác, tiếp cận các hồ sơ, tài liệu có trong hồ sơ các vụ án và trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử; thực hiện việc chuyển các hồ sơ, tài liệu chủ yếu được thực hiện bằng phiên bản điện tử giữa các Tòa án với nhau; thu thập chứng cứ, tài liệu, thông báo lịch xét xử, triệu tập đương sự bằng hình thức trực tuyến (online); công nhận giá trị phiên bản điện tử các bản án, quyết định của Tòa án để cung cấp cho đương sự... Hiện nay, TANDTC đang nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện việc tin học hóa trong hoạt động tố tụng và hành chính tư pháp tại Tòa án; xây dựng đề án tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án giai đoạn 2016-2020 để tiến tới xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.